Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

12 game đua xe hay nhất năm 2012 cho Android, iOS

 tit.jpg

12 game đua xe hay nhất năm 2012 cho Android, iOS

>> 26 game "khủng" đáng mong đợi nhất năm 2013 / 10 game iPhone hay nhất năm 2012 / 11 game xuất sắc nhất năm 2012 / Google điểm danh game Android xuất sắc nhất năm 2012

1. Need for Speed: Most Wanted

Tải game cho Android hoặc iOS

Need-For-Speed-Most-Wanted-Screenshot-02.jpg 

Need for Speed: Most Wanted đưa người chơi vào những cuộc đua náo loạn đường phố trong trò chơi đuổi bắt với cảnh sát.

Đồ họa chi tiết và sống động của Need for Speed: Most Wanted cho người chơi cảm giác như đang ngồi trên những chiếc siêu xe lao đi với tốc độ chóng mặt khi mọi vật xung quanh như nhà cửa, cây cối.. cũng vút qua tầm mắt. Âm thanh trong Need for Speed: Most Wanted là tổng hợp sự mô phỏng chân thực những tiếng động cơ, tiếng phanh xe và cả tiếng nhạc rock.

Need for Speed: Most Wanted có sự góp mặt của những siêu xe hoành tráng như SRT Viper GTS, Porsche 911 Carrera S, Hummer H1 Alpha..

2. Asphalt 7: Heat

Tải game cho Android hoặc iOS

tit.jpg 

Hãy lái 60 siêu xe khác nhau từ các hãng sản xuất uy tín nhất thế giới như Ferrari, Lamborghini và Aston Martin, bao gồm cả chiếc xe bay huyền thoại DeLorean. Hãy tham gia cuộc tranh tài trên 15 đường đua ở những địa danh có thật trên thế giới, trong đó có những đường đua mới toanh ở Hawaii, Paris, Luân Đôn, Miami và Rio.

3. Sonic & SEGA All-Stars Racing

Tải game cho iPhone, iPad

Sonic.jpg 

Theo giới thiệu trên iTunes, Sonic & SEGA All-Stars Racing hiện là game đua xe số 1 cho iPhone, iPad và iPod Touch tại 101 nước khắp thế giới.

Game thủ sẽ lựa chọn vào vai 1 trong 12 nhân vật nổi tiếng của SEGA như Sonic, Dr. Eggman, Tails, AiAi, Amigo.. để tham gia cuộc đua trên những chiếc xe hơi, xe tải, máy bay, xe đạp và thậm chí là chiếc xe đua trông như quả chuối có tên Banana.

Ngoài chơi đơn lẻ, game còn cho phép bạn thi tài với bạn bè qua kết nối Bluetooth hoặc thi đấu nhóm với 4 người chơi khác trên mạng trực tuyến.

4. Endless Road

Tải game cho iPhone, iPad

endless_road2.jpg 

Endless Road là game đua xe cực kỳ độc đáo với đường đua được hình thành và hiện ra ngay trước mũi xe bạn, sau đó sẽ nhanh chóng sụp đổ ngay mỗi khi bạn đi qua.

Trong lúc phải tìm cách né tránh các phương tiện giao thông, xe của cảnh sát và cả các cạm bẫy để tránh không bị cuốn theo vào đường đua đang sụp đổ phía sau lưng, bạn phải không ngừng để ý chặng đường đua sắp hiện ra trước mắt.

5. Red Wing Ikaro Racing

Tải game cho Android

Red_Wing_Android.jpg 

Hãy thử cảm giác mới lạ bằng một trò chơi đua máy bay. Bước vào Red Wing Ikaro Racing, bạn sẽ là phi công điều khiển những chiếc máy bay công suất lớn trong cuộc đua ở độ cao thấp. Bạn sẽ vượt qua khung cảnh ngoạn mục của những tòa nhà cao chọc trời, những ngọn núi dưới ánh hoàng hôn hay ánh nắng trưa. Những chiếc máy bay được thiết kế cẩn thận tới từng chi tiết. Camera từ mọi hướng đem lại góc xem rộng, làm nổi bật vẻ đẹp của môi trường xung quanh và đem lại trải nghiệm nhập vai thực sự.

Mỗi bàn game đều được ghi lại, người chơi có thể xem lại màn đua của mình cũng như của những người chơi khác. Đây là game hoàn hảo để giải trí trong gia đình.

6. Real Racing 2

Tải game cho Android hoặc iOS

RealRacing2.jpg 

Real Racing 2 là game mô phỏng đua ô tô đỉnh cao trên cả Android và iOS. Game được đánh giá là có đồ họa tiên tiến, chế độ điều khiển trực quan. Bạn sẽ có cơ hội lựa chọn trong số 30 mẫu xe hơi từ các thương hiệu nổi tiếng như BMW, VW, McLaren, Ford, Chevrolet..

Game thủ sẽ thực sự trở nên phấn khích với hiệu ứng tuyệt vời trong game tạo ra những cú va chạm làm nảy lửa đường đua và những vết xước chân thực trên thân xe sau mỗi cú va đụng.

7. Reckless Racing 2

Tải game cho Android hoặc iOS

Reckless_Racing_2d.jpg 

Nếu bạn yêu thích thể loại đua xe địa hình, chớ bỏ qua Reckless Racing 2 với 24 đường đua và 18 loại xe “hầm hố” (bản cho iOS là 28 đường đua và 20 loại xe). Game được đánh giá là có đồ họa đẹp mắt và hiệu ứng âm thanh khá sống động. Hãy thể hiện đẳng cấp đua xe của bạn trên nhiều loại địa hình khác nhau.

Game thủ sẽ có cơ hội tự điều chỉnh chiếc xe trong gara cho phù hợp với phong cách lái xe của mình thông qua các lựa chọn nâng cấp.

8. Zaxxon Escape

Tải game cho Android hoặc iOS

ZaxxonEscape copy.jpg 

Nhiệm vụ của người chơi là điều khiển những chiếc máy bay thoát khỏi thành phố Zaxxon đầy cạm bẫy. Máy bay trong Zaxxon Escape sẽ tự động bay về phía trước và người chơi phải điều khiển để chúng tránh được các vật cản. Trên đường bay, game thủ còn có thể thu thập tiền xu để nâng cấp máy bay và trang bị cho máy bay khả năng đặc biệt như va vào chướng ngại vật mà không bị nổ tan tành.

9. Beach Buggy Blitz

Tải game cho Android hoặc iOS

BeachBuggyBlitz.jpg 

Beach Buggy Blitz là game lái xe vui nhộn sẽ đưa người chơi vào hành trình thám hiểm một hòn đảo nhiệt đới bí ẩn để khám phá những bãi biển, hang động bí mật, đầm lầy che phủ bởi sương mù và các ngọn núi lửa phun trào.

Dọc đường đi, bạn sẽ phải vượt qua nhiều chướng ngại vật như các cây cọ, những bức tượng Tiki, lũ cua khổng lồ và cả quái vật nham thạch. Càng về sau cuộc hành trình, chướng ngại vật xuất hiện càng nhiều, nhưng phần thưởng dành cho bạn cũng càng “hậu hĩnh” hơn.

10. Slingshot Racing

Tải game cho iPhone, iPad

SlingshotRacing.jpg 

Điểm thú vị trong Slingshot Racing là mỗi chiếc xe đua sẽ được gắn với một cái móc chắc chắn quay quanh những trục cố định ở gần nó nhất.

Người chơi phải điều khiển phương tiện lao đi với tốc độ nhanh nhất có thể, quét sạch những chiếc bu lông trên đường để mở khóa được các bàn chơi tiếp theo.

11. CSR Racing

Tải game cho iPhone, iPad

CSRRacing.jpg 

CSR Racing đưa bạn tham gia cuộc đua xe gay cấn qua những con phố bỏ hoang. Với lối chơi gây nghiện và đồ họa tuyệt đẹp, đây là game miễn phí không thể bỏ qua.

12. Mini Motor Racing

Tải game cho Android hoặc iOS

Mini-Motor-Racing-1.jpg 

Mini Motor Racing là game đua xe hấp dẫn với góc nhìn từ trên xuống. Với Mini Motor Racing, bạn sẽ có cảm giác như đang tham gia cuộc đua với những chiếc xe điều khiển từ xa. Sau mỗi bàn thắng, bạn sẽ giành được tiền thưởng để nâng cấp xe.

Game có cơ chế vật lý tốt, các phím điều khiển rất nhạy, đồ họa chi tiết và đẹp mắt. Mini Motor Racing được đánh giá là đối thủ nặng kí của dòng game Reckless Racing đã được giới thiệu ở trên.

Phạm Duyên

Theo PhoneArena

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Có nên gọi điện lại để hỏi kết quả tuyển dụng?

Có nên gọi điện lại để hỏi kết quả tuyển dụng?

Ảnh: hercampus.com
TTO - * Tôi vừa đi phỏng vấn vào vị trí nhân viên marketing. Trong quá trình phỏng vấn, nhà tuyển dụng có vẻ đánh giá tôi đã đạt được yêu cầu của công việc, nhưng mức lương đưa ra thấp hơn mức lương mong muốn của tôi.

Nhà tuyển dụng muốn tôi về suy nghĩ về mức lương và công việc này, nếu đồng ý thì gọi cho phòng nhân sự. Tuy nhiên khi tôi gọi cho phòng nhân sự, họ bảo sẽ liên lạc lại sau. Đã mấy ngày qua tôi vẫn chưa nhận được kết quả tuyển dụng của công ty.

Liệu tôi có bị trượt không? Và có nên tiếp tục gọi điện để hỏi kết quả phỏng vấn? Tôi không có địa chỉ email của bên tuyển dụng nên không thể viết thư cảm ơn cũng như hỏi vấn đề này qua email được. Mong chương trình giải đáp. (H.T.T.)

- Với những thông tin bạn gửi về chương trình, tôi có một vài chia sẻ như sau:

Thông thường trong quá trình phỏng vấn, việc nhà tuyển dụng đề cập đến lương bổng được xem là dấu hiệu khả quan cho sự thành công của buổi phỏng vấn. Việc còn lại là thương lượng làm sao để đôi bên cùng đi đến kết quả có lợi. Do đó, bạn hoàn toàn có cơ sở để hi vọng vào sự thành công bước đầu.

Cuộc phỏng vấn của bạn dừng lại ở vấn đề thương lượng mức lương vì chưa tìm được thỏa thuận chung. Khi bạn đồng ý thì nhà tuyển dụng vẫn chưa trả lời dứt khoát có tuyển dụng bạn cho vị trí này hay không. Trên thực tế, thời gian có thể làm thay đổi nhiều kế hoạch, trong trường hợp của bạn, có hai khả năng có thể xảy ra:

- Trường hợp 1: nhà tuyển dụng cần xem xét lại kế hoạch tuyển dụng hoặc không cần tuyển vị trí marketing trong thời điểm này nữa.

- Trường hợp 2: nhà tuyển dụng đã tìm được ứng viên phù hợp trước, vì thế họ chưa trả lời bạn ngay được.

Chờ đợi không phải là giải pháp tốt cho bạn lúc này vì bạn vẫn cần tìm thêm cho mình những cơ hội việc làm mới. Do đó, việc bạn cần làm bây giờ là liên hệ với nhà tuyển dụng một lần nữa để xác nhận bạn có ứng tuyển thành công hay không.

Bạn nên trao đổi khéo léo hơn để buộc nhà tuyển dụng cho bạn câu trả lời dứt khoát. Ví dụ: bạn có thể gợi nhắc cho nhà tuyển dụng về bản thân bạn cũng như buổi phỏng vấn đã qua. Bạn rất muốn có cơ hội được làm việc lâu dài tại công ty. Vì thế, nhà tuyển dụng có thể trả lời cho bạn kết quả trong thời gian bao nhiêu ngày?...

Qua những gợi ý trên, tôi tin bạn sẽ có câu trả lời chính xác nhất cho bản thân mình. Nếu kết quả trượt, bạn cũng cần tìm hiểu nguyên nhân để rút kinh nghiệm cho lần phỏng vấn tiếp theo.

Chúc bạn thành công!

NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC
(trưởng nhóm tư vấn tuyển dụng website Kiemviec.com)

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lương bổng, kỹ năng nghề nghiệp, phỏng vấn xin việc... bạn đọc gửi về chương trình "Tư vấn việc làm" tại địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn. Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Nhường nhà cho gia đình vô gia cư

Nhường nhà cho gia đình vô gia cư

TTO - Ông Tony Tolbert (51 tuổi), sống tại thành phố Los Angeles, Mỹ, đã dọn về sống cùng ba mẹ và nhường nhà riêng của mình cho một gia đình vô gia cư trong một năm. Ông cũng đang kêu gọi bạn bè, người thân hành động như thế.

Luật sư Tony Tolbert nhường nhà cho một gia đình vô gia cư - Ảnh: Latimes

Ông Tolbert là luật sư, từng tốt nghiệp ĐH Harvard. Ông chia sẻ: “Không phải khi bạn là tỉ phú như Bill Gates hay Warren Buffet thì mới giúp được người khác. Ta có thể giúp mọi người bằng những gì mình đang có”.

Từ bé, ông được gia đình dạy cách san sẻ và giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Mới đây, ông liên hệ với Tổ chức Alexandria House (cung cấp nơi trú ẩn cho phụ nữ và trẻ em vô gia cư) nhằm thực hiện dự định đã ấp ủ bấy lâu.

Theo kế hoạch, ông Tolbert sẽ dọn về sống cùng nhà ba mẹ đến hết năm 2013. Trong vòng một năm, một gia đình vô gia cư có thể thoải mái sử dụng miễn phí nhà của ông tại thành phố Los Angeles.

Và gia đình cô Felicia Dukes đã may mắn nhận được sự giúp đỡ. Hiện cô Dukes cùng bốn người con đang tận hưởng những tháng ngày hạnh phúc trong ngôi nhà ấm áp và tiện nghi của ông Tolbert. Cô Dukes kể: “Khi Tổ chức Alexandria House thông báo có người muốn cho chúng tôi ở nhà ông ấy trong 1 năm, tôi đã không tin vào tai mình. Hiện giờ tôi rất hạnh phúc, trái tim tôi như sắp nổ tung”.

Ngôi nhà của ông Tolbert đã trở thành tổ ấm của một gia đình vô gia cư - Ảnh: Ny Daily News

Ông Tolbert đang kêu gọi bạn bè và người thân thực hiện hành động tương tự. Người đàn ông tốt bụng tâm sự: “Tình yêu sẽ giúp tạo ra tình yêu. Giống khi chúng ta làm việc tốt thì việc đó được nhân lên và những chuyện xấu sẽ ít đi. Đây là cách để ta làm thế giới đẹp hơn”.

QUỲNH THY (Theo Huffington PostNy Daily News)

Giữ bản sắc văn hóa trong quá trình hội nhập

Giữ bản sắc văn hóa trong quá trình hội nhập

TT - Mỗi cá nhân phải tự xây dựng bản lĩnh vững vàng cho chính mình để giữ được bản sắc văn hóa dân tộc là phát biểu nhận được sự đồng thuận của nhiều người tại tọa đàm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập sáng 4-1. Tọa đàm do Thành đoàn TP.HCM tổ chức, chuẩn bị cho tổng kết 15 năm nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tuy nhiên, khá nhiều phát biểu của các bạn trẻ băn khoăn vì chưa xác định được đâu là những giá trị cốt lõi, bản sắc văn hóa của dân tộc bởi cũng chưa có chuẩn mực nào để xác định những điều này. Cạnh đó, cách thức tuyên truyền, giới thiệu và đưa những giá trị văn hóa đến với giới trẻ chưa đa dạng, đôi lúc còn khô cứng nên việc tiếp nhận cũng không như mong muốn.

Để mỗi bạn trẻ là một đại sứ văn hóa, nhiều ý kiến đề xuất cần tập trung giáo dục, giúp học sinh ngay từ cấp học nhỏ nhất biết về văn hóa dân tộc, đồng thời có những khóa đào tạo ngắn hạn trang bị kiến thức nền về văn hóa cho những du học sinh chuẩn bị đi học nước ngoài. Một số nhà nghiên cứu, giảng viên về văn hóa học cho rằng không thể tránh khỏi va đập giữa các giá trị văn hóa của các nền văn hóa khác nhau trong quá trình hội nhập. Do đó, cần “tựa lưng” vào các giá trị văn hóa bản sắc dân tộc để có đủ bản lĩnh đẩy lùi văn hóa lai căng, cũng như phải khảo sát cụ thể về những giá trị văn hóa nền tảng của giới trẻ nhằm xây dựng phông văn hóa vững chắc cho họ.

Q.LINH

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Sinh viên hướng về đảo xa

Sinh viên hướng về đảo xa

TT - Sinh viên nhiều trường đại học - cao đẳng trên địa bàn TP.HCM đang có nhiều hoạt động thiết thực hướng về biển đảo quê hương.

Sinh viên Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức ghép bản đồ VN trong ngày hội Biển đảo quê hương - Ảnh: PHƯỚC TUẦN

Mới đây, Đoàn thanh niên - Hội sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã tổ chức ngày hội Kết nối đảo xa với nhiều hoạt động ý nghĩa như tọa đàm “Trường Sa, Hoàng Sa - góc nhìn của giới trẻ”, chương trình Tập làm lính đảo, Hò kéo lưới, Tiếng hát người lính, Biển đảo quê hương tôi và Hương vị làng chài... thu hút hơn 2.000 sinh viên tham gia.

Đến với ngày hội, các bạn vừa được rèn luyện thân thể, vừa được tập làm người lính đảo và tìm hiểu thêm về các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điểm nhấn của ngày hội là việc 200 sinh viên cùng ghép bản đồ Việt Nam và đóng góp cho chương trình Góp đá xây Trường Sa với số tiền 17 triệu đồng.

Từ ngày 22-12-2012 đến 19-1-2013, Trường ĐH Tôn Đức Thắng phối hợp với trường Trung cấp kỹ thuật hải quân tổ chức nhiều hoạt động hướng đến biển đảo quê hương như giới thiệu Luật biển đảo cho sinh viên, phát động cuộc thi viết thư gửi chiến sĩ và làm thiệp xuân tặng chiến sĩ ở Trường Sa.

PHƯỚC TUẦN

Thành đoàn TP.HCM chăm lo tết cho nhiều đối tượng

Thành đoàn TP.HCM chăm lo tết cho nhiều đối tượng

TT - Công nhân, sinh viên, học sinh trung cấp chuyên nghiệp, con em công nhân vệ sinh, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, không về quê đón tết; gia đình chính sách, người già neo đơn, cán bộ Đoàn - Hội - Đội khó khăn là những đối tượng được Thành đoàn TP.HCM quan tâm, chăm lo dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Sẽ có các hoạt động vui chơi, tặng quà cho thiếu nhi nghèo các huyện ngoại thành,  trẻ sống trong các mái ấm, nhà mở, trẻ khuyết tật.

Thành đoàn TP.HCM dự kiến tặng 2.500 vé xe miễn phí đưa sinh viên về quê đón tết, giới thiệu 2.000 việc làm tết cho sinh viên, học sinh và tặng quà, họp mặt cho sinh viên không có điều kiện về quê đón tết cùng gia đình. Sẽ có khoảng 3.500 vé xe được tặng và có hỗ trợ giá cho công nhân khó khăn về quê ăn tết, cũng như đến thăm, tặng quà, tổ chức các phiên chợ tết và tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ dành cho những công nhân không về quê.

Thành đoàn còn có những chuyến trở lại căn cứ Thành đoàn tại TP.HCM cùng một số tỉnh thành kết hợp khám bệnh phát thuốc và tặng quà tết cho những gia đình chính sách, các bà mẹ Việt Nam anh hùng do các cơ sở Đoàn nhận phụng dưỡng suốt đời. Bên cạnh đó là các chuyến xe đưa hàng bình ổn giá phục vụ bà con vùng sâu vùng xa, những chuyến thăm, tặng quà cho các gia đình khó khăn, neo đơn tại các vùng lũ trong năm qua.

Q.LINH

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Thiếu kỹ thuật viên sản xuất đồng vị phóng xạ

Thiếu kỹ thuật viên sản xuất đồng vị phóng xạ

TT - Đồng vị phóng xạ (ĐVPX) được sản xuất từ sản phẩm của các phản ứng hạt nhân, ứng dụng trong nhiều ngành khoa học.

Nó  có vai trò rất quan trọng trong y học, phục vụ các chẩn đoán hình ảnh phức tạp và bào chế một số dược phẩm đặc biệt chữa các bệnh hiểm nghèo về tuyến giáp, ung thư...

Sản xuất ĐVPX tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt - Ảnh: MAI VINH

Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt là đơn vị duy nhất trong nước sản xuất một số ĐVPX cung cấp cho 25 bệnh viện lớn trong nước có ứng dụng y học hạt nhân.

Tuy nhiên, viện đang gặp khó khăn do thiếu nhân lực được đào tạo bài bản về kỹ thuật điều chế ĐVPX. Áp lực cho viện ngày càng tăng khi nhu cầu nhập sản phẩm được điều chế từ ĐVPX của các bệnh viện ngày càng tăng. Cách đây ba năm, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cung cấp ĐVPX cho các bệnh viện một lần/tháng, nay phải tăng lên bốn lần/tháng.

Ông Dương Văn Đông, giám đốc Trung tâm nghiên cứu điều chế ĐVPX thuộc Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, cho rằng VN chưa có một trường đại học nào có chuyên ngành đào tạo về ĐVPX, trên thế giới lại rất ít cơ sở đào tạo chuyên ngành này dẫn đến thiếu hụt nhân lực.

Những người tham gia sản xuất ĐVPX chủ yếu được đào tạo từ các chuyên ngành khác, tự học hỏi và chưa qua các khóa đào tạo chính quy. Ông Đông dự báo trong hai năm tới VN cần thêm gấp ba lần số kỹ thuật viên đang có hiện nay, mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu điều chế các sản phẩm mới từ ĐVPX phục vụ sự phát triển của y học hạt nhân và chữa các bệnh hiểm nghèo.

MAI VINH

Triển lãm “Mở - Bằng - Yêu”

Triển lãm “Mở - Bằng - Yêu”

TTO - “Mở - Bằng - Yêu” là tên triển lãm ảnh về người đồng tính tổ chức tại vườn hoa Thái Phiên - Hà Nội đang thu hút đông đảo người dân trong và ngoài nước tham quan, tìm hiểu.

Du khách tham quan, tìm hiểu triển lãm - Ảnh: Tiến Thắng

“Mở - Bằng - Yêu” là ba bộ ảnh khác nhau được ban tổ chức sưu tầm từ năm 2009 đến năm 2012 nhằm giúp người xem có thể hiểu hơn về người đồng tính. Nổi bật đằng sau mỗi bức ảnh là những giá trị tình cảm chân thành đáng trân trọng, là sự dũng cảm để mở ra con người thật, vượt qua những nỗi sợ hãi, dùng yêu thương để tạo ra lối đi nhiều ánh sáng.

Điểm đặc biệt trong triển lãm là bộ ảnh Bằng với những mâu thuẫn, những câu hỏi tự người xem có thể trả lời được thể hiện một cách khéo léo qua từng bức ảnh.

Câu hỏi “Đơn sắc hay đa sắc” trong bộ ảnh Bằng tại triển lãm - Ảnh: Tiến Thắng chụp lại
Tác phẩm “Bộ áo thật” với những trang báo trong bộ ảnh Bằng - Ảnh: Tiến Thắng chụp lại

Triển lãm là sự tổng kết quá trình phát triển đi lên trong việc đấu tranh với chính bản thân của những người đồng tính. Họ có khát khao được là chính mình, được thể hiện tình yêu.

Triển lãm do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) và Trung tâm ICS – Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) tại Việt Nam tổ chức. Dự kiến kéo dài đến hết 12-1-2013.

TIẾN THẮNG

Ấn Độ sục sôi chuyện nữ quyền

Ấn Độ sục sôi chuyện nữ quyền

TTO - Nhiều phụ nữ Ấn Độ giữ vị trí cao cấp như tổng thống và thống đốc bang; nền kinh tế mở cửa đang tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, những quan điểm gia trưởng bảo thủ chống lại phụ nữ đã ăn sâu trong xã hội Ấn Độ.

>> Cô gái bị cưỡng hiếp qua đời, Ấn Độ siết an ninh
>> Bi kịch cưỡng hiếp tiếp diễn ở Ấn Độ
>> Nạn nhân vụ cưỡng hiếp ở Ấn Độ đang nguy kịch

Người dân Ấn Độ thắp nến tưởng niệm nạn nhân vụ cưỡng bức tập thể - Ảnh: Reuters

Ngày càng nhiều cửa hàng quần áo, quán bar và tập đoàn phương Tây hiện diện tại các thành phố lớn Ấn Độ. Mặc dù GDP đầu người của Ấn Độ năm 2011 chỉ là 3.700 USD, nhưng nước này là một trong những nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất của thế giới.

Phụ nữ Ấn Độ được đi làm, được quyền lái ôtô và tham gia giao thông. Họ góp mặt ở nhiều lĩnh vực từ kinh doanh đến chính trị, một số người giữ những vị trí quan trọng. Trước tháng 7 năm nay thì Tổng thống Ấn Độ là bà Pratibha Patil. Chủ tịch Hạ viện hiện tại, chủ tịch Đảng Quốc đại cầm quyền và ba thống đốc bang của Ấn Độ là phụ nữ.

Tuy nhiên, đó chỉ là một phần bề nổi. Việc nữ sinh ngành y 23 tuổi bị cưỡng bức tập thể hôm 16-12 được coi như giọt nước tràn ly đối với nạn bạo hành và tấn công tình dục phụ nữ Ấn Độ. Phần lớn nạn nhân trong các vụ cưỡng hiếp không trình báo với chính quyền do chịu sức ép từ thủ phạm, cảnh sát hoặc chính gia đình mình. 

Hồi tháng 6, Hãng tin Reuters công bố một khảo sát tại 20 nền kinh tế lớn của thế giới cho thấy Ấn Độ là nước mà điều kiện sống của người phụ nữ tồi tệ nhất, vì các nguyên nhân như tảo hôn phổ biến, giết người vì không đáp ứng đủ của hồi môn, nạn bạo hành phụ nữ ở gia đình, phụ nữ bị bóc lột sức lao động...

Quan điểm bảo thủ đặc biệt gay gắt ở vấn đề tình dục. Theo khảo sát của Goolge, Ấn Độ là một trong bảy nước thường xuyên tìm kiếm từ khóa “sex” trên mạng. Nghiên cứu của Hãng Durex cho thấy độ tuổi trung bình thanh niên Ấn Độ quan hệ tình dục lần đầu giảm từ 23 tuổi của năm 2006 xuống còn 19,8 trong năm 2011.

Tuy nhiên tình dục chính là chủ đề cấm kỵ với phần lớn người Ấn Độ.

Thăm dò năm 2011 của tạp chí India Today uy tín tại Ấn Độ cho biết 25% người không phản đối tình dục trước hôn nhân, miễn là việc đó không xảy ra trong gia đình họ!

Xã hội gia trưởng

Cảnh sát ngăn chặn người biểu tình tại thủ đô New Delhi ngày 29-12 - Ảnh: Reuters

Đối với đàn ông Ấn Độ, việc “động chân động tay” với phái yếu được xem là chuyện bình thường.

Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu phụ nữ quốc tế (trụ sở ở Washington D.C, Mỹ) năm 2011 cho biết 25% đàn ông Ấn Độ từng có hành vi bạo lực tình dục, hơn 65% nam giới cho rằng đánh đập phụ nữ là một hình thức dạy dỗ. Để giữ gia đình không tan vỡ thì người phụ nữ chỉ biết cam chịu!

“Tại Ấn Độ vẫn còn phổ biến những quy tắc ứng xử từ thời xưa, nên phụ nữ chỉ được xem là đối tượng để thỏa mãn nhu cầu tình dục” - nhà hoạt động vì quyền phụ nữ Vibhuti Patel trả lời báo Times of India. Chính tư tưởng này là nguyên nhân lý giải tình trạng cưỡng hiếp ở Ấn Độ. 

Không phải lúc nào chính quyền cũng đứng về phía phụ nữ. Theo Cục Dữ liệu tội phạm Ấn Độ, trong năm 2011 ghi nhận hơn 24.000 vụ cưỡng hiếp trên cả nước nhưng tỉ lệ bị kết án chỉ khoảng 25%. Tháng 10-2012, sau khi xảy ra 17 vụ cưỡng hiếp liên tiếp ở bang Haryana (miền bắc Ấn Độ), nữ thống đốc bang Tây Bengal, bà Mamata Banerjee, cho rằng nguyên nhân chính là do nam giới được tự do tiếp xúc phụ nữ. “Giống như ở một khu chợ với các món hàng bày sẵn ra đó” - bà nói.

Một quan chức bang Haryana cho rằng đến 90% các vụ quấy rối tình dục có sự đồng thuận của người phụ nữ. Trong khi đó, hội đồng lão thành tại một ngôi làng ở bang Haryana đề xuất hạ độ tuổi được lấy chồng của phụ nữ từ 18 xuống còn 15 tuổi để giảm những vụ cưỡng hiếp. Điều này khiến 4 cơ quan Liên Hiệp Quốc cùng gửi thư đến Bộ Phát triển phụ nữ và trẻ em Ấn Độ bày tỏ sự lo ngại. Trên thực tế, hơn 40% các vụ tảo hôn trên thế giới diễn ra tại Ấn Độ.

Hai tuần gần đây, người dân Ấn Độ đang biểu tình rầm rộ yêu cầu chính phủ phải siết chặt luật trừng phạt những vụ cưỡng hiếp và bạo hành phụ nữ, thúc giục những biện pháp bảo vệ an toàn và an ninh hơn cho nữ giới.

Tuy nhiên, Rashmee Roshan Lall - cựu biên tập viên báo Sunday Times of India - nhận định Ấn Độ là một xã hội nặng tính gia trưởng bất chấp những thay đổi hội nhập trong thế kỷ 21, và đấu tranh vì quyền phụ nữ cần một cuộc cách mạng tình dục ở Ấn Độ - điều khó xảy ra một sớm một chiều.

ĐỨC TOÀN (Theo Foreign Policy)

Trung Quốc luật hóa bổn phận thăm nom cha mẹ

Trung Quốc luật hóa bổn phận thăm nom cha mẹ

TT - Sau hàng loạt biện pháp nhắc nhở con cái hiếu thảo với cha mẹ, chính quyền Trung Quốc đã chính thức ra luật buộc con cái phải thường xuyên thăm hỏi cha mẹ.

Vụ con trai nhốt mẹ vào chuồng heo hôi hám là vụ xìcăngđan lớn ở Trung Quốc - Ảnh: Weibo

Mới đây, Ủy ban Thường vụ quốc hội Trung Quốc đã thông qua sửa đổi Luật bảo vệ quyền lợi người cao tuổi. Theo đó, các gia đình phải quan tâm đến nhu cầu tinh thần của cha mẹ, ông bà, không xem thường hoặc ghẻ lạnh người lớn tuổi. Luật cũng yêu cầu các cơ quan phải tôn trọng quyền thăm nom cha mẹ của nhân viên.

Trước đó, Trung Quốc đã ban hành quy định Nhị thập tứ hiếu thời hiện đại (24 điều hiếu con cái phải làm) nhằm khuyến khích con cái hiếu thảo với cha mẹ. Cuộc tranh luận về việc chăm sóc người lớn tuổi trở nên gay gắt kể từ khi Đài truyền hình Giang Tô phát sóng đoạn ghi hình cụ bà hơn 100 tuổi bị con trai nhốt ở một chuồng heo hôi hám.

ĐÔNG PHƯƠNG
(Theo báo Thanh Niên Trung Quốc)

Sống trong ám ảnh

Những cuộc đời bị biến dạng:

Sống trong ám ảnh

TT - Cô nữ sinh vắn số 23 tuổi trong vụ cưỡng hiếp tập thể trên xe buýt tại Ấn Độ đã qua đời và được hỏa táng trong niềm tiếc thương, công phẫn của những người có lương tri. Ở Việt Nam, nhiều nạn nhân của các vụ cưỡng hiếp vẫn sống nhưng cuộc sống ngập ngụa trong ám ảnh, không khá hơn cái chết là mấy.

>> Ấn Độ điều tra vụ phụ nữ bị giết sau khi bị cưỡng hiếp
>> Nạn nhân bị cưỡng hiếp ở Ấn Độ đã qua đời

Trên mặt báo năm qua, ở nhiều tỉnh thành Việt Nam cũng xảy ra nhiều vụ xâm hại tình dục nghiêm trọng. Một số vụ gây phẫn nộ dư luận như vào tháng 9, sáu thanh niên cưỡng hiếp tập thể một trẻ vị thành niên 14 tuổi tại thành phố Lào Cai. Gần đây nhất, giữa tháng 11, Công an huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đã bắt khẩn cấp hai tên “yêu râu xanh” - bốn ngày sau khi hai kẻ thủ ác dùng vũ lực hiếp dâm rồi bỏ mặc một thiếu nữ trên núi sau khi đóng vai người tốt cho nạn nhân quá giang.

Những kẻ phạm tội đã vào tù nhưng không phải tất cả họ đều bị trừng phạt. Nhưng đó chưa phải là điều quan trọng: với nhiều nạn nhân, ký ức kinh hoàng chính là ngục tù giam hãm họ, tước đoạt cả cuộc đời họ.

Sợ hãi và chịu đựng

Yêu cầu được giấu tên khi kể câu chuyện của mình, sinh viên nữ Đ.N.Q. (23 tuổi, Trà Vinh) cho biết đến bây giờ - ba năm sau biến cố - Q. vẫn bàng hoàng vì không thể tưởng tượng người cưỡng đoạt mình lại chính là vị giảng viên mà Q. hết mực tin tưởng.

Chọn thầy T. là giáo viên hướng dẫn đề tài nghiên cứu, Q. có chuyến đi thực tế với thầy. Một hôm thầy gõ cửa phòng lúc 19g để “bàn thêm về đề tài”. Người thầy đáng kính sau một lúc “bàn đề tài” đã không còn đáng kính. Gỡ được cái ôm choàng siết, Q. vùng vẫy chạy trốn vào phòng vệ sinh. Cánh cửa bị giật tung. Q. bị lôi ra ngoài, bị đè nghiến và bất lực. Cô đang có ngày của phụ nữ nhưng gã thú điên vẫn không dừng lại...

Cô không dám vặn nước rửa sạch vết máu, run rẩy mặc lại quần áo khi tên thầy giáo đã ngủ say, trèo cổng nhà nghỉ lao mình vào bóng tối đen kịt của vùng quê hẻo lánh. “Lúc ấy mình chỉ thấy sợ hãi và ê chề, không dám nghĩ đến chuyện đánh thức chủ nhà nghỉ mở cửa hay đi trình báo công an. Mình chỉ biết chạy...” - Q. nhớ lại.

Giấu nhẹm sự việc với gia đình, Q. càng không dám tố cáo tên “yêu râu xanh” đội lốt giảng viên gương mẫu với nhà trường. “Mẹ tôi tinh thần rất yếu sau vụ ly dị với ba, lại chỉ có mình tôi là con gái, tôi e mẹ không chịu nổi nếu biết chuyện”. Q. cũng cho biết vào thời điểm bị cưỡng hiếp cô là sinh viên năm hai, vẫn còn đến hai năm học nên không dám làm to chuyện, sợ không chịu nổi áp lực từ những tin đồn và sợ kẻ cưỡng đoạt mình trả thù.

Ám ảnh đeo bám

Đến nay, mặc dù đã vượt qua chấn thương tâm lý ban đầu và trở về với cuộc sống, Q. vẫn rùng mình khi nhắc đến tên kẻ thủ ác. Cô thậm chí dị ứng với tất cả những ai trùng tên với “ông thầy” đốn mạt nọ. “Tôi sợ cả tiếng ếch nhái và quang cảnh đồng ruộng vắng lặng trên quãng đường gần bốn cây số chạy từ nhà nghỉ đến bến xe địa phương. Từ đó đến nay, chưa một lần tôi dám trở về khu vực đó dù đề tài vẫn dang dở” - Q. úp mặt vào tay.

Trong khi đó, H.T.T.T. (21 tuổi, du học sinh Mỹ) đã sống với mặc cảm không còn trong trắng suốt tám năm nay do bị anh họ cưỡng hiếp năm 13 tuổi. Nhắc đến ký ức mà T. gọi là “nhơ nhuốc”, T. chỉ thấy xấu hổ và sợ hãi. Xinh xắn, học giỏi nhưng tới giờ T. vẫn chưa nhận lời yêu ai. Quanh T. chỉ toàn bạn gái. Ba mẹ T. vẫn chưa biết chuyện. Gã anh họ vẫn nhởn nhơ cười nói trong gia đình T. “Có lẽ tôi sẽ sống độc thân. Tôi cũng không có cảm xúc với người khác phái, nếu có chỉ là kinh tởm, e dè” - T. bặm môi.

Theo thạc sĩ tâm lý học Trương Thanh Chí, văn hóa phương Đông trọng danh dự và trinh tiết nên phụ nữ thường có tâm lý sợ hãi, xấu hổ nếu bị xâm hại, quấy rối tình dục, ít ai dám tố cáo kẻ đồi bại. Với họ, sự ê chề khủng khiếp hơn đòi công lý. Những án tù với kẻ thủ ác - nếu công lý được thực thi - cũng khó làm nguôi ngoai nỗi đau tinh thần trong họ. Tâm lý chung của phụ nữ Việt Nam thường là nhẫn nhịn, chịu đựng, lẩn tránh cũng là một nguyên nhân dẫn đến nhiều nạn nhân chọn cách im lặng, chịu ám ảnh giày vò chứ không dám lôi kẻ thủ ác ra ánh sáng.

Chia sẻ, gửi ý kiến về cho Tuổi Trẻ

Nhịp sống trẻ đã nhận được một số bài viết, ý kiến của các bạn về đề tài “Những cuộc đời bị biến dạng” từ tội ác hiếp dâm, quấy rối tình dục... Chúng tôi sẽ chia sẻ câu chuyện, ý kiến của các bạn về việc trừng trị kẻ thủ ác, liệu pháp tâm lý giúp nạn nhân hồi phục cuộc sống bình thường... trong các số báo tới. Mọi ý kiến xin gửi về: nhipsongtre@tuoitre.com.vn.

HẢI THI

Ước nguyện đầu năm mới 2013

Ước nguyện đầu năm mới 2013

Mong được như thế

TT - Tập trung cao độ cho công việc
Mỗi năm tôi đều tự nhìn lại bản thân mình xem đã làm được những gì và cần hoàn thiện gì cho bản thân để tốt hơn.

Năm mới với nhiều thử thách hơn và ai cũng sẽ phải chuẩn bị thật tốt để thích nghi tốt nhất có thể trong công việc và cả cuộc sống thường ngày. Tôi sẽ dành nhiều thời gian cho sự nghiệp của mình trong năm mới vì đây là thời điểm bản thân cần tập trung cao độ cho công việc. Học thêm các kỹ năng để phục vụ bản thân, học các môn kỹ năng phục vụ trực tiếp cho công việc như gây ảnh hưởng và đàm phán.

Tôi đặt mục tiêu hoàn thành công việc của công ty trong tuần để những ngày cuối tuần có thể dành thời gian cho bản thân và gia đình. Thời gian rảnh tôi sẽ dành làm những việc mình thích cũng như cân bằng lại cuộc sống. Những công việc dự định làm trong năm 2012 mà còn dang dở như mỗi tháng đọc một quyển sách, viết truyện ngắn và tập yoga cũng sẽ là mục tiêu của tôi trong năm mới.

Nguyễn Thị Hồng Nhung
(nhân viên marketing Công ty FrieslandCampina VN)

PHI LONG ghi

Muốn công việc ổn định

Hai vợ chồng tôi đều là công nhân, công việc chồng tôi cũng bấp bênh chưa ổn định vì chưa ký hợp đồng lao động. Thời gian qua công ty ít đơn hàng, không tăng ca nên thu nhập mỗi tháng được trên 3 triệu đồng vừa đủ vun vén chi tiêu.

Bước sang năm mới 2013, tôi mong công ty có đơn hàng để tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Trường hợp công ty khó khăn quá thì tìm công việc khác nhưng tôi vẫn muốn công việc ổn định, không muốn dịch chuyển vì làm công việc mới sẽ bắt đầu lại từ đầu, thu nhập không cao, lại càng bấp bênh.

Chị Diệp Thị Phước
(23 tuổi, công nhân Công ty Nissei, KCX Linh Trung, Q.Thủ Đức, T.HCM)

T.CƯỜNG ghi

Không còn bạn trẻ sống khó khăn

Là một cán bộ Đoàn, tôi mong những hoạt động liên quan đến việc giáo dục của Đoàn trong năm 2013 sẽ đạt hiệu quả như chủ đề năm vừa được chọn, đi vào thực chất, giúp mỗi bạn trẻ hình thành lý tưởng, sống đẹp và sống có ích, để những điều tốt đẹp trở thành thói quen, đi vào nếp sống hằng ngày của giới trẻ.

Năm 2013 được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, do vậy tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều việc làm cho thanh niên, nguồn quỹ vay vốn, khởi nghiệp của Đoàn, Hội sẽ đến được với nhiều bạn trẻ đang thật sự cần để họ yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống. Đoàn phải làm hết sức để mỗi thanh niên có việc làm, có môi trường sống tốt để có thể tự nuôi sống bản thân và giúp ích cho người khác.

Cá nhân tôi và nhiều cán bộ Đoàn khác cùng chung mong ước việc tập hợp thanh niên sẽ rộng rãi đối tượng hơn, chăm lo tốt hơn cho lợi ích chính đáng cả vật chất lẫn tinh thần của thanh niên, định hướng nhu cầu sống cho giới trẻ. Để không còn bạn trẻ nào phải sống khó khăn hay vì khó khăn cùng quẫn mà phải làm những việc sai trái, trộm cắp.

LÊ PHÚ CƯỜNG
(bí thư Đoàn phường 2, Q.Phú Nhuận, TP.HCM)

Q.LINH ghi

Xã hội an toàn hơn

Đã hơn ba năm kể từ ngày tôi xa quê hương đi du học nên mong ước đầu tiên là có dịp về thăm nhà trong năm 2013. Tuy nhiên, dạo gần đây theo dõi trên báo đài, tôi cảm thấy rất lo lắng về tình hình cướp giật ngày một nghiêm trọng tại VN. Tôi hi vọng chuyện này sẽ sớm được giải quyết để mọi người dân có thể nhẹ nhõm khi ra đường, hình ảnh đất nước VN theo đó sẽ được cải thiện trong mắt người nước ngoài.

Cá nhân tôi đang học ngành khoa học máy tính nên dĩ nhiên mong muốn sẽ có được một số thành công nhất định trong lĩnh vực này. Trước mắt, tôi đã được nhận vào thực tập tại Tập đoàn Microsoft sau nhiều vòng thi tuyển khá khắc nghiệt. Tôi mong sau khoảng thời gian thực tập, bản thân sẽ viết được một số ứng dụng để dùng công nghệ giúp những phận đời kém may mắn trong xã hội. Bên cạnh đó, tôi cũng mong sẽ học thêm được một số kỹ năng sống ngoài sách vở để hoàn thiện hơn nữa bản thân mình.

PHAN QUANG PHƯỚC
(ĐH Drexel, Mỹ)

CÔNg NHẬT ghi

Không ai muốn sống cuộc đời nhàm chán

Tuyên dương công dân trẻ TP.HCM 2012:

Không ai muốn sống cuộc đời nhàm chán

TT - Sáng nay 1-1-2013, Thành đoàn TP.HCM tuyên dương và trao danh hiệu “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM” năm 2012 cho sáu công dân trẻ.

Các bạn trẻ trao đổi tại buổi tọa đàm “Sống đẹp - sống có ích” tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 30-12 - Ảnh: MINH ĐỨC

Trước đó, tại báo Tuổi Trẻ, các bạn là công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM của các năm và công dân trẻ tiêu biểu đợt này cùng những bạn trẻ là học sinh, sinh viên, thanh niên đã trao đổi về chủ đề “Sống đẹp - sống có ích”.

Không ai muốn sống nhạt nhòa

Mở đầu buổi thảo luận sôi nổi, anh Đặng Tất Dũng, danh hiệu công dân trẻ 2009 - hiện là nghiên cứu sinh ngành luật tại Anh - cho rằng bất kỳ thanh niên nào cũng có khao khát sống đẹp, sống có ích. Điều quan trọng là tiêu chuẩn, chuẩn mực thế nào là sống đẹp và nó sẽ tùy vào hoàn cảnh của từng người.

Đồng tình với ý kiến này, Nguyễn Đăng Long (ĐH Mở) cho rằng sống đẹp phải do bản thân mỗi người đặt ra chứ không thể có quy chuẩn chung. Mỗi người xuất thân khác nhau, điều kiện xã hội khác nhau thì sẽ tự xây dựng những tiêu chuẩn riêng. Có thể sống đẹp là thích đi làm công tác xã hội, tập hợp lại để đi làm tình nguyện, theo Long, chứ không nhất thiết “sống đẹp” để được tuyên dương, ngưỡng mộ.

Còn với Phan Khương (sinh viên Học viện Hành chính quốc gia), để sống đẹp và có ích phải có trách nhiệm và biết tự trọng. Mỗi người phải có trách nhiệm với công việc và biết tự trọng để hoàn thiện bản thân mình hơn “vì văn hóa biết xấu hổ đang bị mai một”. Ở góc độ là một học sinh, Nguyễn Lê Minh Nguyệt (THPT Nguyễn Thị Minh Khai) cho rằng lứa tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường cần học tốt để bố mẹ có thể hãnh diện về mình, tham gia các hoạt động trong trường để đóng góp một phần nhỏ công sức của mình đã là những việc làm có ích.

“Cho dù có sự khác nhau về cách nghĩ và tiêu chuẩn nhưng phải có mẫu số chung. Tôi nghĩ người sống đẹp, sống có ích phải có ba yếu tố: sống có lý tưởng sẽ là mũi lái để con thuyền của mình đi đến đích; sống nhân ái có trái tim ấm áp với mọi người để có đủ sức cho bạn bao dung với sự sai lầm của người khác, chia sẻ với mọi người; sống có mục tiêu rõ ràng làm cho cuộc sống trở nên thú vị, cảm giác cuộc sống có ích”, Tất Dũng gói lại vấn đề theo cách nhìn của mình và cho rằng: “Hãy trao niềm tin cho người khác để có nhiều người cùng sống đẹp”.

Dù chỉ mới 10 tuổi nhưng vận động viên cờ vua Nguyễn Anh Khôi (học sinh lớp 5) - được tuyên dương Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2012 - cũng bày tỏ: “Em nghĩ sống có ích là sống tốt cho bản thân, gia đình và xã hội. Cuộc đời mình phải có mục tiêu. Không ai muốn mình sống cuộc đời nhàm chán cả. Em sẽ cố gắng học tập tốt, biết nhận lỗi và sửa sai”.

Động lực từ danh hiệu

Nghiên cứu sinh Đặng Tất Dũng chia sẻ: “Danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu là động lực mà cũng có phần tạo áp lực để tôi phấn đấu nhiều hơn. Đã gánh trên vai danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu của TP.HCM buộc mình phải tạo áp lực để phấn đấu hơn nữa, không bằng lòng với hiện tại, giậm chân nghĩa là thụt lùi”.

Còn với bạn Nguyễn Xuân Nghĩa, chàng trai dù không có đôi tay nhưng đã làm nhiều người khâm phục bởi tinh thần lạc quan, học hỏi không ngừng và vừa tốt nghiệp đại học. Nghĩa là một trong những điển hình vinh dự nhận danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2007. Hiện anh đang làm tại Quận đoàn 8. Nghĩa tâm sự: “Tôi thấy mình càng phải sống có trách nhiệm hơn, bởi lẽ mình đã góp phần vào làm một đại sứ nhân lên những điều tốt đẹp đến mọi người xung quanh. Có lẽ danh hiệu phần nào là động lực và cũng tạo áp lực riêng cho tôi khi luôn tự nhắc nhở bản thân phải xây dựng một hình mẫu người thanh niên sống đẹp”.

Tại buổi tọa đàm, những bạn trẻ tham dự đã “đặt hàng” với tổ chức Đoàn - Hội cần tìm nhiều hơn nữa phương thức để nhiều bạn trẻ biết đến những tấm gương sống đẹp. Cùng suy nghĩ, hai điển hình Đặng Tất Dũng và Nguyễn Xuân Nghĩa đều cho rằng việc nhân rộng những điển hình đã từng nhận danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu trong giới trẻ là rất cần thiết, cần làm cho các giá trị đẹp lan tỏa vì “xây cái tốt để đẩy lùi cái xấu”.

KIM ANH - PHI LONG

Học kỳ quân đội “Xuân chiến khu”

Học kỳ quân đội “Xuân chiến khu”

TT - Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam (TTTTNMN) vừa thông báo chiêu sinh chiến sĩ 9-16 tuổi cho chương trình học kỳ quân đội “Xuân chiến khu” sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 7-2-2013.

Theo đó, chiến sĩ sẽ hành quân vào “chiến khu” (quận Bình Tân, TP.HCM) với giao liên, văn công, trực gác báo động đêm và tham gia các hoạt động như tập luyện và thao diễn kỹ thuật quân sự, đêm hội nấu bánh chưng, đi chợ tết chiến khu dân dã, thiết kế quà chiến khu mang về gia đình...

Hạn chót đăng ký tham gia chương trình là ngày 20-1. Ban tổ chức cho biết sẽ giảm 30% học phí cho con em cán bộ Đoàn-Hội-Đội, thương binh liệt sĩ, gia đình nghèo; giảm 10% học phí cho cựu chiến sĩ học kỳ quân đội, đăng ký nhóm năm học viên được miễn học phí cho học viên thứ sáu.

Liên hệ ban tổ chức tại 212-214 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 hoặc 01 đường số 3, KDC Vĩnh Lộc, P. Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM.

THÁI BÌNH

Sống trong ám ảnh

Những cuộc đời bị biến dạng:

Sống trong ám ảnh

TT - Cô nữ sinh vắn số 23 tuổi trong vụ cưỡng hiếp tập thể trên xe buýt tại Ấn Độ đã qua đời và được hỏa táng trong niềm tiếc thương, công phẫn của những người có lương tri. Ở Việt Nam, nhiều nạn nhân của các vụ cưỡng hiếp vẫn sống nhưng cuộc sống ngập ngụa trong ám ảnh, không khá hơn cái chết là mấy.

>> Ấn Độ điều tra vụ phụ nữ bị giết sau khi bị cưỡng hiếp
>> Nạn nhân bị cưỡng hiếp ở Ấn Độ đã qua đời

Trên mặt báo năm qua, ở nhiều tỉnh thành Việt Nam cũng xảy ra nhiều vụ xâm hại tình dục nghiêm trọng. Một số vụ gây phẫn nộ dư luận như vào tháng 9, sáu thanh niên cưỡng hiếp tập thể một trẻ vị thành niên 14 tuổi tại thành phố Lào Cai. Gần đây nhất, giữa tháng 11, Công an huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đã bắt khẩn cấp hai tên “yêu râu xanh” - bốn ngày sau khi hai kẻ thủ ác dùng vũ lực hiếp dâm rồi bỏ mặc một thiếu nữ trên núi sau khi đóng vai người tốt cho nạn nhân quá giang.

Những kẻ phạm tội đã vào tù nhưng không phải tất cả họ đều bị trừng phạt. Nhưng đó chưa phải là điều quan trọng: với nhiều nạn nhân, ký ức kinh hoàng chính là ngục tù giam hãm họ, tước đoạt cả cuộc đời họ.

Sợ hãi và chịu đựng

Yêu cầu được giấu tên khi kể câu chuyện của mình, sinh viên nữ Đ.N.Q. (23 tuổi, Trà Vinh) cho biết đến bây giờ - ba năm sau biến cố - Q. vẫn bàng hoàng vì không thể tưởng tượng người cưỡng đoạt mình lại chính là vị giảng viên mà Q. hết mực tin tưởng.

Chọn thầy T. là giáo viên hướng dẫn đề tài nghiên cứu, Q. có chuyến đi thực tế với thầy. Một hôm thầy gõ cửa phòng lúc 19g để “bàn thêm về đề tài”. Người thầy đáng kính sau một lúc “bàn đề tài” đã không còn đáng kính. Gỡ được cái ôm choàng siết, Q. vùng vẫy chạy trốn vào phòng vệ sinh. Cánh cửa bị giật tung. Q. bị lôi ra ngoài, bị đè nghiến và bất lực. Cô đang có ngày của phụ nữ nhưng gã thú điên vẫn không dừng lại...

Cô không dám vặn nước rửa sạch vết máu, run rẩy mặc lại quần áo khi tên thầy giáo đã ngủ say, trèo cổng nhà nghỉ lao mình vào bóng tối đen kịt của vùng quê hẻo lánh. “Lúc ấy mình chỉ thấy sợ hãi và ê chề, không dám nghĩ đến chuyện đánh thức chủ nhà nghỉ mở cửa hay đi trình báo công an. Mình chỉ biết chạy...” - Q. nhớ lại.

Giấu nhẹm sự việc với gia đình, Q. càng không dám tố cáo tên “yêu râu xanh” đội lốt giảng viên gương mẫu với nhà trường. “Mẹ tôi tinh thần rất yếu sau vụ ly dị với ba, lại chỉ có mình tôi là con gái, tôi e mẹ không chịu nổi nếu biết chuyện”. Q. cũng cho biết vào thời điểm bị cưỡng hiếp cô là sinh viên năm hai, vẫn còn đến hai năm học nên không dám làm to chuyện, sợ không chịu nổi áp lực từ những tin đồn và sợ kẻ cưỡng đoạt mình trả thù.

Ám ảnh đeo bám

Đến nay, mặc dù đã vượt qua chấn thương tâm lý ban đầu và trở về với cuộc sống, Q. vẫn rùng mình khi nhắc đến tên kẻ thủ ác. Cô thậm chí dị ứng với tất cả những ai trùng tên với “ông thầy” đốn mạt nọ. “Tôi sợ cả tiếng ếch nhái và quang cảnh đồng ruộng vắng lặng trên quãng đường gần bốn cây số chạy từ nhà nghỉ đến bến xe địa phương. Từ đó đến nay, chưa một lần tôi dám trở về khu vực đó dù đề tài vẫn dang dở” - Q. úp mặt vào tay.

Trong khi đó, H.T.T.T. (21 tuổi, du học sinh Mỹ) đã sống với mặc cảm không còn trong trắng suốt tám năm nay do bị anh họ cưỡng hiếp năm 13 tuổi. Nhắc đến ký ức mà T. gọi là “nhơ nhuốc”, T. chỉ thấy xấu hổ và sợ hãi. Xinh xắn, học giỏi nhưng tới giờ T. vẫn chưa nhận lời yêu ai. Quanh T. chỉ toàn bạn gái. Ba mẹ T. vẫn chưa biết chuyện. Gã anh họ vẫn nhởn nhơ cười nói trong gia đình T. “Có lẽ tôi sẽ sống độc thân. Tôi cũng không có cảm xúc với người khác phái, nếu có chỉ là kinh tởm, e dè” - T. bặm môi.

Theo thạc sĩ tâm lý học Trương Thanh Chí, văn hóa phương Đông trọng danh dự và trinh tiết nên phụ nữ thường có tâm lý sợ hãi, xấu hổ nếu bị xâm hại, quấy rối tình dục, ít ai dám tố cáo kẻ đồi bại. Với họ, sự ê chề khủng khiếp hơn đòi công lý. Những án tù với kẻ thủ ác - nếu công lý được thực thi - cũng khó làm nguôi ngoai nỗi đau tinh thần trong họ. Tâm lý chung của phụ nữ Việt Nam thường là nhẫn nhịn, chịu đựng, lẩn tránh cũng là một nguyên nhân dẫn đến nhiều nạn nhân chọn cách im lặng, chịu ám ảnh giày vò chứ không dám lôi kẻ thủ ác ra ánh sáng.

Chia sẻ, gửi ý kiến về cho Tuổi Trẻ

Nhịp sống trẻ đã nhận được một số bài viết, ý kiến của các bạn về đề tài “Những cuộc đời bị biến dạng” từ tội ác hiếp dâm, quấy rối tình dục... Chúng tôi sẽ chia sẻ câu chuyện, ý kiến của các bạn về việc trừng trị kẻ thủ ác, liệu pháp tâm lý giúp nạn nhân hồi phục cuộc sống bình thường... trong các số báo tới. Mọi ý kiến xin gửi về: nhipsongtre@tuoitre.com.vn.

HẢI THI