Để ngày mới thêm ý nghĩa
TT - Đáp lại câu hỏi “Ở góc độ khoa học, ông có lo lắng về thời điểm được gọi là “ngày tận thế” 21-12-2012?” của nữ sinh Trường THPT Hà Nội- Amsterdam trong buổi trò chuyện với gần 1.000 học sinh trong trường, ông Charles Bolden - tổng giám đốc NASA - đã diễn giải bằng câu trả lời đầy ẩn ý: “Hiện tôi đang tập trung vào một số ngày. 21-12 không nằm trong số đó”.
>> Sống nhàn nhạt chính là tận thế
>> Tận thế: những tin đồn “xưa như trái đất”!
>> NASA: Tại sao thế giới không tận thế vào ngày 21-12?
Ngày được vị tổng giám đốc NASA nhắc đến ngay sau đó là những mốc khoa học quan trọng mà ông và những cộng sự ở NASA đang dốc công nghiên cứu: năm 2014 thử nghiệm chuyến bay không người đầu tiên với tàu vũ trụ Orion, năm 2017 tiến hành các chuyến bay thương mại chở người vào vũ trụ, giữa những năm 2030 đưa người lên sao Hỏa...
Tưởng “ngày tận thế” đã được tường minh một cách khoa học từ người đứng đầu Cơ quan Hàng không và vũ trụ Hoa Kỳ, nhưng những ngày chạm mốc 21-12, câu chuyện “ngày tận thế” vẫn đem theo những hoang mang, lo lắng cho nhiều người. Giới trẻ sốt xình xịch trên các diễn đàn mạng với chủ đề: “Sẽ làm gì khi ngày mai là... tận thế?”.
Trong cuộc sống đôi khi người ta nghĩ ra chuyện nọ, chuyện kia để giải thoát bản thân, nhưng đó chỉ là thứ gia giảm cho cuộc sống. Cũng như việc đưa ra những truyền thuyết ở đời để sống tốt hơn, trân trọng những cái hiện có. Nếu chọn khái niệm “tận thế” để sống ý nghĩa hơn, trách nhiệm hơn, cả cộng đồng hẳn sẽ mạnh mẽ hơn. Nhưng vin vào “ngày tận thế” để sống điên rồ hơn, lười biếng hơn, vô trách nhiệm hơn thì dù không có ngày tận thế, ý nghĩ về ngày tận thế theo cách ấy cũng đủ để hủy diệt con người, hủy diệt các giá trị vươn lên của xã hội. Dạo qua các trang mạng, đáng tiếc thay, xu hướng này lại thắng thế. “Đập phá đi”, “chả còn gì để mất” là khẩu hiệu được nhiều người trẻ lựa chọn.
Phải chăng nhiều người trẻ đang mất niềm tin, không có chỗ dựa? Hay chính bởi lâu nay không có chế tài nghiêm ngặt về trách nhiệm giới trẻ trong cộng đồng? Cái lạ, cái kỳ quái lên ngôi. Có khi để thể hiện cái tôi, có khi để thỏa mãn nhu cầu cá nhân, nhiều bạn tìm cách thoát khỏi cuộc sống nhàn nhạt của mình không bằng nỗ lực bản thân mà bằng cách phá phách.
Vấn đề của giới trẻ nhưng là trách nhiệm của cả xã hội. Sống gấp không còn là câu chuyện riêng của những người trẻ vội vã. Tư duy nhiệm kỳ đang khiến một bộ phận không nhỏ người có chức quyền nghĩ ra cách gì để vun vén được là làm luôn vì “hạ cánh, hết quyền là... hết”. Đấy là một dạng “tư duy ngày tận thế”, chứ không giới hạn ở “ngày tận thế 21-12-2012”.
Vậy nên, ngày tận thế là giả thiết để nhắc nhớ con người biết trân quý thời gian hữu hạn, sống trách nhiệm hơn, tận tâm hơn với công việc, gia đình và xã hội, chứ không phải để tuyệt vọng hay vô trách nhiệm với tương lai. Như ông tổng giám đốc NASA thờ ơ với “ngày tận thế” vì còn mải đeo đuổi chạm đích đã đặt ra, người trẻ còn bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu việc để làm. Và khi sống đầy năng lượng và trách nhiệm, ngày tận thế sẽ chỉ là chuyện vui của những người biết thêm gia vị hài hước cho cuộc sống vốn đầy ý nghĩa của mình.
NGỌC HÀ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét