Lấy nhau khi tuổi xế chiều
TT - Xã hội ngày càng xuất hiện nhiều người tái hôn hoặc lấy vợ, lấy chồng khi đã vào tuổi “xưa nay hiếm”. Nhìn dưới góc độ tâm sinh lý, việc kết hôn này có nên không?
Theo các chuyên gia, thực tế cho thấy việc kết hôn ở tuổi xế chiều sẽ mang lại nhiều điều tốt nếu như những người này có sức khỏe và còn minh mẫn.
Nhiều lợi ích, nhưng cũng có rủi ro
Theo tiến sĩ tâm lý Đinh Đoàn, những người già thường có được nhiều lợi ích khi kết hôn (hoặc tái hôn). Lợi ích chủ yếu là được giải tỏa về mặt tâm lý, tinh thần. Có một nỗi sợ thường trực khi con người về già là cô đơn, nhất là đối với những người già độc thân, họ thường xuyên rơi vào trạng thái trầm cảm, stress vì không có ai chia sẻ tâm tư, tình cảm. Do vậy, khi kết hôn cũng có nghĩa là họ có người để chia sẻ tâm tư, tình cảm và có người chăm sóc mình mỗi khi trái nắng trở trời, đặc biệt là một số người già có sức khỏe có thể được đáp ứng về nhu cầu tình dục...
Những lợi ích này không chỉ làm tăng chất lượng sống của người cao tuổi mà còn kéo theo nhiều lợi ích khác cho con cháu. Chẳng hạn như đối với người tái hôn thì con cháu đỡ phải vất vả khi ông bà có đôi, ông bà vui tất nhiên cuộc sống gia đình sẽ thoải mái, dễ chịu... Tuy nhiên, theo tiến sĩ Đinh Đoàn, việc kết hôn giữa những người cao tuổi cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Họ thường mang trong mình một quá khứ rất lớn, thậm chí khác biệt nên rất khó hòa hợp với nhau. Đối với người từng có một đời chồng (hoặc vợ) thì ít nhiều vẫn còn thói quen, tình cảm, sự quan tâm nào đó với người xưa.
Bác sĩ Nguyễn Thu Giang, phó viện trưởng Viện Sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng, cho rằng về mặt xã hội không bao giờ nói người già nên hay không nên kết hôn. Theo bà Giang, trên thực tế, có những người già hay đau yếu nhưng khi được thoải mái về tinh thần, có chỗ nương dựa về tình cảm sẽ xuất hiện hiện tượng “bệnh tự khỏi”, người cảm thấy khỏe lên, ngủ ngon, ăn ngon miệng... Nhưng ngược lại cũng có những người già sau tái hôn không dung hòa được hai cá nhân trong cuộc sống, trở nên bực bội, cáu gắt, ít ngủ.
Về chuyện tình dục ở người lớn tuổi, không nên quan niệm như cách thông thường, hay thấy người già “đầu mày cuối mắt” lại cho rằng đó là trò lố, mà đó cũng là những cảm xúc giúp họ thăng hoa trong cuộc sống.
Cùng chăm sóc nhau
TS Đinh Đoàn trích tâm sự của một người đàn ông gửi đến chuyên mục “tâm giao” nhờ ông gỡ rối. Người đàn ông này mất mẹ từ khi còn nhỏ. Cha ông nuôi mấy anh em ông ăn học suốt mấy chục năm trời cho đến năm ngoài 60 tuổi ông mới có ý định tái hôn với người phụ nữ góa chồng.
Dù thừa nhận người phụ nữ rất tốt, rất yêu thương cha mình, nhưng anh em trong nhà đều kịch liệt phản đối. Lý do là họ sợ phải chia sẻ tài sản thừa kế của cha mình cho người phụ nữ lạ. Trước sự phản đối của các con, người cha bắt đầu trở nên buồn bã, lặng lẽ như một cái bóng trong căn nhà rộng, sức khỏe sa sút hẳn.
Sau nhiều lần chứng kiến nỗi cô đơn của cha mình, người đàn ông này mới nhận ra rằng chỉ vì quá chú trọng đến vật chất mà mọi người trong gia đình đã không quan tâm đến nhu cầu có thực của cha mình.
TS Đinh Đoàn nói không ít người con luôn phản đối chuyện tái hôn. Nhiều người còn có những quan niệm rất khắt khe, xem cha mẹ già muốn tái hôn là “rửng mỡ”, không đứng đắn, không đàng hoàng... Thật ra việc phản đối người già tái hôn vẫn là vấn đề tài sản. Đây là quan niệm ích kỷ, sai lầm khiến chất lượng sống của người già bị giảm sút.
Theo TS Trịnh Hòa Bình, đàn ông thường rơi vào trầm cảm, stress hơn phụ nữ khi về già mà sống trong cô đơn. Đàn ông thời trẻ thường lao ra đời để kiếm tiền và chạy theo danh vọng, còn phụ nữ dù có hướng ngoại nhưng vẫn tìm cách chăm sóc gia đình mình nhiều hơn nên khi gặp hoàn cảnh cô đơn họ ít bị những cú sốc tâm lý hơn đàn ông. Đàn ông thường sống “dựa” vào phụ nữ, “nhờ” phụ nữ chăm lo cuộc sống cũng như sức khỏe cho mình, tất nhiên là đàn ông hụt hẫng nhiều hơn khi phải sống cô đơn.
TS Trịnh Hòa Bình còn nói do hệ thống an sinh xã hội chưa rộng khắp và đầy đủ, nhiều người lớn tuổi cô đơn không có người giúp đỡ. Việc người già lấy nhau là tạo điều kiện cho hai bên cùng chăm sóc nhau dưới danh nghĩa vợ chồng sẽ quý hơn nhiều so với các mối quan hệ khác như con cháu, bạn bè, xóm làng...
Ông Bình nhấn mạnh: “Những người trẻ không nên cản trở, mà nên có thái độ gần gũi, cảm thông với mong muốn của người lớn tuổi khi họ có nhu cầu muốn đến với nhau”.
QUỲNH LIÊN - LAN ANH
Không loại thuốc bổ nào thay thế được
Câu chuyện ông Mai Kim Sơn 93 tuổi (cư xá Thanh Đa, Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn làm thủ tục để cưới bà Lý Thị Thu (66 tuổi), khiến nhiều người bất ngờ và càng bất ngờ hơn khi hai ông bà dù đã lớn tuổi vẫn còn rất nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Chia sẻ bí quyết, đôi vợ chồng già này đúc kết: tình yêu thương và niềm lạc quan đã giúp họ sống khỏe mỗi ngày. “Năm ngoái tui không được như bây giờ đâu” - ông Sơn vừa nói vừa đưa đôi mắt âu yếm nhìn sang vợ đang ngồi bên cạnh rồi nói tiếp: “Tui nhanh nhẹn, khỏe mạnh như bây giờ là nhờ vợ tui đó”. Ông Sơn cho biết đầu năm 2011, khi người vợ trước của ông mất đi, trong suốt một năm ông chỉ sống thui thủi một mình. Vì sống một mình nên ông thường bỏ bữa, ăn uống qua quýt, có khi cả ngày chỉ ăn một tô mì gói cho qua bữa, vì vậy sức khỏe sa sút dần, chân đi lại không vững. Không những thế, nỗi buồn, nỗi cô đơn càng khiến ông luôn thấy tinh thần uể oải. Nhưng từ tháng 10 năm ngoái, khi bà Thu từ Hà Nội vào sống cùng thì cuộc sống của ông như có thêm một luồng gió mới. “Có vợ tui thấy vui lắm, tinh thần phấn chấn hẳn lên, sinh hoạt điều độ, không sai một tí nào nên một năm nay tui thấy khỏe ra” - ông Sơn chia sẻ. Tình yêu thương đã giúp cho cuộc sống ông bà trôi qua mỗi ngày thật nhẹ nhàng, mỗi khi có chuyện buồn bà Thu lại xoa dịu chồng bằng những lời động viên, an ủi vì vậy mà ông không buồn lâu. “Những người già như chúng tôi có một người bạn đời tâm đầu ý hợp để sẻ chia buồn vui thì không có loại thuốc bổ nào có thể thay thế được” - ông Sơn cho biết. NGỌC NGA |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét