Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ ở bản Giẳng

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ ở bản Giẳng

TT - Chiều muộn ngày 8-12, bản Giẳng (xã Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) nhộn nhịp những vị khách quý.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong buổi khánh thành Nhà lưu niệm - Trường tiểu học Nguyễn Hữu Thọ tại bản Giẳng - Ảnh: Nguyễn Minh Nhựt

Hôm nay, Trường tiểu học - nhà lưu niệm Nguyễn Hữu Thọ khánh thành, ở ngay chính nơi mà cách nay 62 năm luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị lưu đày đến nơi thâm sơn cùng cốc là bản Giẳng.

In dấu Nguyễn Hữu Thọ

Bản Giẳng khi ấy chỉ lơ thơ hơn chục nóc nhà, khổ nghèo, thiếu thốn, không lớp học, không bệnh xá. Trong mười tháng lưu đày ông dạy chữ cho trẻ, dạy kiến thức vệ sinh cho đồng bào Thái ở đây, nói chuyện về tinh thần yêu nước với thanh niên. Lễ tết, ông tham gia ném còn, múa xòe... Một đời hoạt động sôi nổi cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, kinh qua bao nhiêu vai trò, chức vụ, nhưng lúc nào luật sư cũng nhắc nhở với các con, với những người thân cận về những người dân chân chất ở bản Giẳng, Hải Phòng, Phú Yên đã từng cưu mang, đùm bọc ông... Gần cuối đời, luật sư Nguyễn Hữu Thọ vẫn cố công tổ chức những chuyến đi thăm lại cảnh cũ người xưa, gặp tận mặt, nắm tận tay, vừa cười tươi vừa rưng nước mắt mới yên lòng. Ngày ông run run bước xuống cầu thang từ chiếc máy bay trực thăng để tìm những căn nhà sàn xưa ở bản Giẳng là ngày mà dân bản không bao giờ quên. Các con ông, vì thế, cũng coi những nơi này là quê hương, để đi về, để lo lắng, để vun đắp. Các đồng chí của ông, vì thế, luôn nhớ những địa điểm này như những căn cứ địa vững chắc, căn cứ lòng dân nghĩa tình, bền bỉ.

Và vì như thế mà hôm nay bản Giẳng có nhà lưu niệm Nguyễn Hữu Thọ, có Trường tiểu học Nguyễn Hữu Thọ khang trang, sạch đẹp. Lặn lội đến tận nơi để cắt băng khánh thành, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết vào sổ lưu niệm: “Xây dựng nhà tưởng niệm - Trường tiểu học Nguyễn Hữu Thọ ở nơi luật sư từng bị lưu đày cách nay 62 năm là thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đây sẽ là nơi giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thế hệ trẻ...”. Niềm vui vỡ òa ở bản Giẳng. Công trình trị giá hơn 16 tỉ đồng, ngoài phần của UBND TP.HCM và tỉnh Lai Châu cùng đơn vị xây dựng, bảy hộ dân bản Giẳng đã đồng lòng góp đất để nhà lưu niệm và Trường tiểu học Nguyễn Hữu Thọ kèm khu sinh hoạt văn hóa cộng đồng có được vị trí đẹp nhất bản và chịu được động đất cấp 7. Một tấm bia đá ghi rõ “Tại nơi đây, năm 1950 - 1951, luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị thực dân Pháp bắt lưu đày”.

Sách Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Hành trình yêu nước -  NXB Trẻ -Ảnh: Tự Trung

Hành trình Nguyễn Hữu Thọ

Lần thứ 12 giỗ cha năm nay, ông Nguyễn Hữu Châu đã cho ra đời cuốn sách Nguyễn Hữu Thọ - Hành trình yêu nước với những tư liệu được sưu tầm công phu, đa dạng, mang đến cho người đọc một chân dung đầy đủ nhất về luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

Chân dung một cậu bé 11 tuổi, ăn chưa no lo chưa tới nhưng thông minh, sáng láng được cha mẹ gửi sang Pháp du học với những kỳ vọng lớn lao. Cậu bé học tập xuất sắc, hòa mình rất nhanh vào môi trường mới nhưng lại mang trong lòng một nỗi nhớ: “Nhớ dòng sông, con kênh, nhớ tiếng còi tàu âm vang sớm chiều, nhớ tiếng vó ngựa lốc cốc, tiếng chuông leng keng của các cỗ xe ngựa, tiếng rao bánh cam, bánh bò, tàu hũ...”.

Nỗi nhớ ấy đưa chàng luật sư trẻ đầy triển vọng trở về quê hương, cuốn anh vào những biến chuyển lịch sử. Nguyễn Hữu Thọ cứ từng bước, từng bước tìm thấy lý tưởng, thấy con đường mình nên đi.

Con đường ấy dẫn ông đi xa khỏi những biệt thự, những bữa tiệc, rượu tây và hoa hồng, đưa ông vào những cuộc dấn thân khó khăn ở các phiên tòa xét xử những người yêu nước, những cuộc mittinh, biểu tình vì hòa bình, đưa ông vào những chuyến lưu đày gian nan, nguy hiểm ở bản Giẳng, Hải Phòng, Phú Yên, đưa ông đến với những người cách mạng, dẫn dắt ông đến với cương vị của một chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN... Hành trình ấy của Nguyễn Hữu Thọ là hành trình yêu nước.

Những tấm ảnh, những bài viết, những bài báo, hồi ức của những người xung quanh ghi lại hành trình ấy của ông rõ ràng, rành mạch. Con đường đầy chông gai, lắm vực thẳm, tưởng như có những khúc ngoặt gây bất ngờ cho nhiều người ấy hóa ra lại cứ thẳng băng như tất yếu phải thế. Vì đó là con đường mà dân tộc đã chọn...

Nay thì ông đã đi xa tròn 16 năm. Nhắc đến ông, không ai nhắc đến những chức tước, cương vị cao trọng ông từng nắm giữ, mà chỉ một danh xưng: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, và nhân cách mà ông đã ghi tạc vào lòng người, vào lịch sử.

PHẠM VŨ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét