Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Audio Nhịp sống trẻ: Ngày cuối năm

Audio Nhịp sống trẻ: Ngày cuối năm

TTO - Chỉ vài ngày nữa năm 2012 khép lại và năm 2013 sẽ đến. Bao nhiêu buồn vui năm cũ qua đi và chúng ta hân hoan chào đón một năm mới nhiều điều tốt đẹp hơn.  

Bạn đã có dự định gì trong năm mới, nhất là cho tình yêu - trong cuộc sống hôn nhân của mình? - Ảnh minh họa từ Internet

Xin mời quý thính giả cùng đến với chương trình audio Nhịp sống trẻ, chuyên đề Tình yêu lối sống kỳ này có tên gọi Ngày cuối năm để hòa mình vào giây phút lắng đọng của những điều sắp qua và bao điều đang tới. Hẳn là nhiều người trong chúng ta đã lên sẵn cho mình những mục tiêu, những kế hoạch cho năm mới, cũng như có người vẫn còn nuối tiếc những điều chưa làm được.

Vậy làm sao để những kế hoạch, mục tiêu trong năm mới dễ dàng thành hiện thực hơn? Và đặc biệt với những bạn trẻ đang chuẩn bị kết hôn vào năm tới, hoặc đang lưỡng lự trước câu hỏi Tôi có nên kết hôn chưa hay còn phải đợi thêm thời gian?… thì phần trao đổi cùng PGS.TS Huỳnh Văn Sơn sẽ gợi ý cho bạn nhiều đáp án hữu ích.

Những câu chuyện tình tự kể được chia sẻ trong chương trình kỳ này cũng là thông điệp đáng suy ngẫm về tình yêu. Có người dù yêu nhưng không thể níu kéo tình yêu, nhưng có người yêu đã tìm cách chinh phục tình yêu dù thời gian có cách trở.

BÍCH DẬU

Tất cả bài vở, thư từ, yêu cầu, ý kiến đóng góp... cho chương trình, các bạn vui lòng gửi về email tto@tuoitre.com.vn hoặc gửi thư về báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Tiêu đề email hoặc ngoài bì thư vui lòng đề: Gửi Audio Nhịp sống trẻ.

Các bạn có thể nghe chương trình audio này qua điện thoại di động tại Tuổi Trẻ Mobile m.tuoitre.vn hoặc truy cập Facebook của chương trìnhhttp://facebook.com/audionhipsongtre.

Liên hoan các liên đội dân lập, tư thục, quôc tế

Liên hoan các liên đội dân lập, tư thục, quôc tế

TTO - Hơn 500 đội viên ở TP.HCM vừa tham gia Liên hoan các liên đội dân lập, tư thục, quốc tế vào sáng 27-12 tại Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý (Q.7, TP.HCM) do Hội đồng Đội TP.HCM tổ chức.

Các đội viên thử sức với trò chơi dân gian - Ảnh: Phúc Lộc

Các bạn tha hồ khám phá trò chơi dân gian: đi dép chung sức, ô ăn quan, ném bóng trúng đích. Đặc biệt phần thi vẽ tranh "Em yêu biển đảo quê hương" được các bạn thể hiện tình yêu biển đảo một cách sinh động qua các tranh: anh lính hải quân mạnh mẽ giữa đảo xa, các bạn thiếu nhi ước mơ một lần thăm các anh lính hải quân…

Trong đó, phần thi "Tự hào trang sử Việt" thu hút 50 thí sinh tham gia. Các bạn trả lời khá nhanh, chính xác các câu hỏi về kiến thức lịch sử về Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, lịch sử Việt Nam.

Bạn Trương Lê Gia Bảo (học sinh Trường THCS Ngô Thời Nhiệm, Q.9, TP.HCM) cho biết: “Đây là lần thứ hai em tham gia liên hoan này. Liên hoan năm nay có nhiều hoạt động mới, kết hợp vui chơi và ôn luyện kiến thức. Em cảm thấy rất thích”.

Học sinh Trường Đinh Thiện Lý (Q.7, TP.HCM) vẽ tranh hướng về biển đảo trong buổi liên hoan - Ảnh: Phúc Lộc

PHÚC LỘC

“Em yêu biển đảo quê hương”

“Em yêu biển đảo quê hương”

TT - Là chủ đề ngày hội vừa được Hội đồng Đội Q.8 (TP.HCM) tổ chức với sự góp mặt của hơn 300 đội viên trong quận. Các bạn nhỏ đã được giao lưu với một số cô chú cựu chiến binh, tham gia thiết kế thiệp, tranh (ảnh) gửi tặng bộ đội Trường Sa và các trò chơi vận động với chủ đề về biển đảo.

Tại ngày hội, tuổi nhỏ quận 8 đã hội thu phong trào “60 ngày em tăng gia nuôi heo đất vì Trường Sa thân yêu” năm học 2012-2013 được gần 67 triệu đồng. Đây cũng là dịp tổng kết và khen thưởng các đơn vị làm tốt chương trình “Măng non sẵn sàng vì biển đảo quê hương” sau hai năm thực hiện.

Q.NGUYÊN

Tâm nguyện của Hùng

Tâm nguyện của Hùng

TT - “Mỗi khi biết ở đâu có vụ cướp, ở đâu xuất hiện kẻ gây ác là lòng tôi lại sôi lên...” - chiến sĩ cảnh sát Trần Trung Hùng nói.

Trần Trung Hùng - Ảnh: Minh Đức

Tốt nghiệp trung cấp cảnh sát, chàng chiến sĩ sinh năm 1987 Trần Trung Hùng thuộc Đội CSHS đặc nhiệm Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội nhanh chóng lập được hàng loạt chiến công. Anh được vinh danh Chiến sĩ cảnh sát trẻ giỏi năm 2011 và nhận nhiều bằng khen của Trung ương Đoàn, UBND TP vì thành tích xuất sắc trong đấu tranh khám phá các vụ án. Năm nay, Hùng là một trong sáu gương mặt công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM.

Để có được những thành tích như hôm nay, Hùng không ngại học hỏi kinh nghiệm nghiệp vụ từ những đồng đội lớn tuổi.

Hùng kể năm 2008 anh tham gia dẫn giải tên tội phạm cướp giật với biệt danh Thắng “tự xử” về nhà khám xét. Do là tội phạm bị gia đình ruồng bỏ nên khi về đến nhà, Thắng bị những người thân liên tục mắng nhiếc. Trong lúc cảnh sát tiến hành khám xét, Thắng nói muốn được đi vệ sinh. Hùng và một chiến sĩ khác kè sát Thắng. Khi đi ngang bếp, Thắng đột ngột vơ con dao đâm thẳng vào bụng mình. Theo phản xạ Hùng ôm ghì, không để Thắng tiếp tục tự cứa cổ. Cả nhà Thắng hoảng sợ, bỏ chạy tán loạn. Một lúc sau, Hùng và đồng đội mới khống chế được Thắng.

Sau lần đầu tiên sơ suất đó, Hùng tìm hỏi kinh nghiệm tác chiến ở các đồng đội lớn tuổi hơn. “Cuộc sống muôn màu. Tội phạm cũng thiên hình vạn trạng. Người chiến sĩ phải không ngừng tập luyện, học hỏi để hoàn thành nhiệm vụ” - Hùng nói.

Qua những lời báo án của nhiều người nước ngoài bị lừa đảo, đội của Hùng lên kế hoạch và lập chuyên án 511B. Nhóm đối tượng tội phạm là những người nước ngoài nhập cư trái phép, tổ chức hoạt động rất tinh vi, thay đổi chỗ ở liên tục. Chúng gạ gẫm, lừa đảo nạn nhân người nước ngoài để chiếm đoạt tài sản. Sau nhiều ngày không ngừng bám đuổi, áp dụng các kỹ năng nghiệp vụ khéo léo, Hùng cùng đồng đội bắt được 11 đối tượng người Philippines. Với chiến công này, Hùng được UBND TP.HCM tặng bằng khen. Anh còn được trao tặng Huân chương Chiến công hạng ba, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba do Chủ tịch nước trao tặng.

“Đây là công việc nguy hiểm”, đó là điều mà Hùng luôn ý thức. Nhưng ngay khi còn là cậu bé khao khát được trở thành người cảnh sát oai phong, mạnh mẽ như ba, Hùng đã lên quyết tâm quét sạch tội phạm ở mọi nơi mình nghe được, thấy được. Khát vọng “vô gian đạo” ấy không tắt, cả khi Hùng nghe tin ba bị nạn lúc truy quét nhóm thanh niên sử dụng mã tấu ở huyện Củ Chi, hay khi đồng đội Trịnh Hữu Phương bị đứt dây chằng đầu gối trên đường truy đuổi tội phạm cướp giật.

Dù nắng hay mưa, ngày hay đêm, Hùng và đồng đội chẳng ngại xông pha với mục đích duy nhất: “Không chừa đường cho kẻ xấu tồn tại”.

H.THANH

Cam kết 100% ĐVTN dưới 18 tuổi điều khiển môtô

Cam kết 100% ĐVTN dưới 18 tuổi điều khiển môtô

TT - 100% Đoàn cấp tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí văn hóa giao thông trong thanh niên. Ký cam kết 100% đơn vị không có đoàn viên, thanh niên chưa đủ tuổi (dưới 18 tuổi) hoặc không có giấy phép lái xe điều khiển môtô, xe máy, không đội mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn chất lượng khi đi (hoặc ngồi sau) xe môtô, xe máy...

Đây chỉ là một trong bảy mục tiêu lớn trong đề án Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2012-2017, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cùng với nội dung trên, đề án còn đặt mục tiêu tất cả cơ sở Đoàn phải đưa nội dung phổ biến pháp luật về an toàn giao thông vào các kỳ sinh hoạt định kỳ hằng tháng. Xác định nội dung này là tiêu chí thi đua hằng năm của các cấp bộ Đoàn. Tất cả Đoàn xã, phường, thị trấn phải có các mô hình, đội hình thanh niên, công trình, phần việc tham gia bảo đảm an toàn giao thông. 100% các trường từ trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề đến các trường ĐH, CĐ đều phải xây dựng mô hình “cổng trường an toàn giao thông” và thành lập ít nhất một đội thanh niên tình nguyện đảm bảo an toàn giao thông tại cổng trường vào các giờ cao điểm.

Đ.BÌNH - L.C.

Tặng 2.600 vé xe cho công nhân

Tặng 2.600 vé xe cho công nhân

TT - Ngày 27-12, Công ty Kinh Đô phối hợp với Trung ương Đoàn tặng 1.460 vé xe về quê đón Tết âm lịch cho công nhân đang làm việc ở TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Đợt trao vé thứ hai sẽ diễn ra vào ngày 8-1 tại Hà Nội, dành cho công nhân các tỉnh phía Bắc với 1.140 vé. Tổng số vé được trao trong hai đợt là 2.600 vé với trị giá 1,3 tỉ đồng.

Đối tượng được tặng vé của chương trình “Kinh Đô chở tết về nhà” là công nhân có hoàn cảnh khó khăn, đang làm việc tại các nhà máy thuộc ngành thực phẩm, dệt may, thủy hải sản, đông lạnh trên địa bàn Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.

Từ ngày 15 đến 22-1-2013, công nhân sẽ mang vé xe tượng trưng kèm CMND đến các văn phòng đổi vé để đổi vé chính thức về quê. Chuyến xe đầu tiên đưa công nhân về quê đón tết trong chương trình sẽ khởi hành vào ngày 5-2-2013.

PHI LONG

700 triệu đồng cho hoạt động công tác xã hội

700 triệu đồng cho hoạt động công tác xã hội

TT - Trung tâm Công tác xã hội (Thành đoàn TP.HCM) đã ký kết phối hợp các hoạt động công tác xã hội với Công ty cổ phần thực phẩm quốc tế Interfood VN vào sáng 27-12.

Theo đó, tổng giá trị Interfood hỗ trợ các hoạt động do Trung tâm Công tác xã hội thực hiện kéo dài đến tháng 6-2013 là 700 triệu đồng (tiền mặt và tặng phẩm). Các hoạt động bao gồm thăm, tặng quà gia đình chính sách, tổ chức vui tết cho trẻ em khó khăn, các ngày chủ nhật xanh tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, xây dựng nông thôn mới, ngày hội môi trường và các hoạt động hướng đến Ngày quốc tế thiếu nhi 1-6.

Q.LINH

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Chuyện gia đình một người lính

Chuyện gia đình một người lính

TT - Phải mất hơn 10km đường rất xấu từ đồn biên phòng Cô Ba ra thị trấn Bảo Lạc, rồi đi hơn 100km từ thị trấn về thành phố Cao Bằng để chuyển tiếp một chuyến xe nữa về Thái Bình, trung úy Nguyễn Khả Nghĩa mới được gặp mặt hai đứa con trai bệnh tật của mình.

Gia đình anh Nguyễn Khả Nghĩa, bé Nguyễn Khả Trọng Anh, Nguyễn Khả Nhật Khánh và chị Đào Thị Hường (từ trái sang) - Ảnh: Nguyễn Khánh

Chặng đường này rất quen với Nghĩa gần 10 năm nay, từ khi cậu con trai lớn của anh bị phát hiện mắc chứng bệnh máu không đông bẩm sinh Hemophilia, rồi đứa con trai thứ hai của anh ra đời cũng mắc bệnh giống anh trai.

Hậu phương không yên

Ngày 18-12-2012, chị Đào Thị Hường, giáo viên ở Tiền Hải, Thái Bình, vợ trung úy Nghĩa, lại dẫn hai con trai lên Viện Huyết học - truyền máu trung ương. Mới đầu tháng, mẹ con chị vừa ở đây về. Chứng bệnh máu không đông khiến chị phải giữ gìn bọn trẻ kiểu “nâng trứng, hứng hoa”: không để con đi bộ quá... 100m, nếu không cháu sẽ đau đớn; không để con đùa nghịch, bị ngã, bị trầy xước dù chỉ một vết nhỏ, nếu không cháu sẽ chảy máu không thể cầm.

Người phụ nữ này vừa đi dạy học, chăm sóc hai con, vừa lo mọi việc từ giỗ chạp, cưới hỏi, họ hàng, nội trợ trong nhà. Nhưng biết làm sao được, chồng chị, anh Nguyễn Khả Nghĩa là bộ đội biên phòng ở tận đồn Cô Ba, Cao Bằng, một năm được ưu tiên lắm chỉ về nhà vài lần phép.

Theo bác sĩ Hoàng Xuân Đại, bệnh máu khó đông Hemophilia là bệnh lý làm cản trở quá trình đông máu bình thường. Bệnh xuất hiện tương đối hiếm, tỉ lệ khoảng 1/8.000 và thường thấy ở trẻ trai hơn là trẻ gái.

Bệnh lý này có liên quan đến các nhiễm sắc thể giới tính. Hemophilia là một rối loạn di truyền có liên quan đến nhiễm sắc thể X, có thể truyền từ mẹ sang cho con trai. Tỉ lệ trẻ trai bị di truyền Hemophilia từ mẹ có rối loạn này là 50%.

Bác sĩ Nguyễn Thị Mai (Viện Huyết học - truyền máu trung ương), người đang điều trị cho hai cháu Trọng Anh và Nhật Khánh, kể từ đầu năm đến nay tháng nào hai bé cũng vào viện, trung bình ba ngày/đợt. Đầu năm rồi cháu nhỏ bị xuất huyết não rất nguy hiểm. Theo bác sĩ Mai, hiện nay dù đã có đủ chế phẩm điều trị cho bệnh nhân Hemophilia, nhưng phải làm sao có thuốc ở nhà để khi các cháu bị chảy máu được tiêm ngay một mũi, rồi chuyển tiếp đến bệnh viện. Nếu không quá trình đi đường kéo dài nhiều giờ, các cháu sẽ rất đau đớn...

Mối tình đẹp giữa anh bộ đội Nghĩa và cô giáo Hường nảy nở sau khi họ gặp gỡ trên chuyến xe đi Cao Bằng năm 2000. Hai năm sau, một đám cưới giản dị được tổ chức với phong cách nhà binh, khách mời có rất nhiều anh bộ đội quân hàm xanh. Sau đó nữa là một cậu con trai, bé Nguyễn Khả Trọng Anh ra đời, hạnh phúc thật chả ai bằng dù lúc ấy cô giáo Hường mới ra trường lương chưa đến 500.000 đồng, cộng với lương của anh bộ đội mới qua hàng lính trơn, vợ chồng đưa nhau đi sinh con mà chỉ có vỏn vẹn 700.000 đồng trong túi. Vậy mà bé ra đời hôm trước, hôm sau đã phải chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương tận Hà Nội vì mắc chứng bệnh máu không đông Hemophilia. Người có căn bệnh này phải gắn bó với bệnh viện suốt đời.

Từ Cao Bằng, Nghĩa quyết định chuyển vợ con về Thái Bình với ông bà ngoại, chỉ còn anh ở lại với đồn biên phòng. Một đứa con ốm đau, tháng nào cũng phải đi bệnh viện đã là quá sức với họ. Năm 2008, sau nhiều đắn đo họ sinh thêm một đứa con là Nguyễn Khả Nhật Khánh, nhưng mới 6 tháng tuổi bé lại phát bệnh, cũng là chứng máu không đông Hemophilia.

“Cháu ra đời vợ chồng tôi chưa kịp ăn mừng đã phải đón nhận hung tin. Lương tôi mỗi tháng hơn 3 triệu đồng, chồng là lính biên phòng không dám tiêu gì, gửi hết cho vợ khoảng 10 triệu nữa. Nếu con đi viện một tháng một lần thì tạm đủ, còn tháng nào đi viện hai lần là phải đi vay” - cô giáo Hường buồn bã tâm sự.

10 năm đau khổ

Mười năm nay hai vợ chồng trung úy Nghĩa lay lắt, quay quắt với việc lo cho hai con đi lọc máu hằng tháng. Sức khỏe, kinh tế, tinh thần gần như kiệt quệ thế nhưng với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, Nghĩa đã động viên vợ tiếp tục cuộc chiến giữ sự sống cho hai con trai.

Thời gian cứ trôi qua một cách vô tình, người mẹ tần tảo, mệt nhọc ngày này sang tháng khác bồng hai con trên quãng đường ngót trăm cây số từ Thái Bình về Hà Nội để duy trì sức khỏe cho các cháu. Người bố ở xa chỉ biết dõi theo ba mẹ con qua sóng điện thoại với cõi lòng tan nát khi nghe tiếng rên rỉ đau đớn vì bệnh tật của các con mình.

Anh Bế Xuân Chiến, chính trị viên đồn biên phòng Cô Ba, sau khi về thăm nhà trung úy Nghĩa, đã không ngờ người đồng đội của mình lại khó khăn đến thế. Anh Chiến kể: “Năm 2007, anh Nghĩa mới về công tác ở đội vận động quần chúng đồn Cô Ba. Trước đây anh ấy ở tỉnh, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn quá nên... xin lên biên giới để được hưởng lương cao hơn một chút, đỡ đần thêm cho vợ con ở nhà. Nhưng mỗi lần anh ấy về quê, chúng tôi vẫn vận động anh em góp thêm chút gì đó giúp các cháu. Nhưng bây giờ gặp hai cháu rồi, mới thấy những gì đã góp cho gia đình Nghĩa quả là ít ỏi”.

Nhà báo Tạ Hoài Phương, phóng viên Đài PT-TH Cao Bằng, cho biết đồn Cô Ba là một trong những đồn biên phòng khó khăn nhất của huyện Bảo Lạc, mà Bảo Lạc là huyện khó khăn nhất của tỉnh Cao Bằng. Mùa này sương mù suốt ngày đêm, nước sạch rất thiếu nhưng có nước giặt quần áo thì phải hong lửa mới có thể khô được. Các anh bộ đội vẫn đang ở nhà tạm.

Hoài Phương nói: “Mới đây khi đến đồn Cô Ba, biết các con anh Nghĩa đang ở bệnh viện, chúng tôi đã gọi điện cho hai cháu rồi bật loa to cho cả đồn cùng nghe. Hôm ấy cả đồn đã ứa nước mắt cảm thương hoàn cảnh gia đình anh Nghĩa, chị Hường”.

LAN ANH

Đạp xe qua ba châu lục để kỷ niệm... trăng mật

Đạp xe qua ba châu lục để kỷ niệm... trăng mật 

TTO - Một đôi vợ chồng mới cưới người Anh đã kỷ niệm tuần trăng mật bằng chuyến hành trình đạp xe qua ba châu lục và quyên góp tiền cho từ thiện.

Steve và Kat thực hiện chuyến hành trình kỷ niệm trăng mật trên chiếc xe đạp đôi - Ảnh: Daily Mail

Steve Turner (35 tuổi) và cô bạn gái Kat (31 tuổi) sống tại quận Forest Hill (miền Nam London, Anh) kết hôn vào tháng 8-2011. Tháng 6-2012, đôi vợ chồng trẻ tạm gác công việc và bay đến thành phố Christchurch (New Zealand), bắt đầu tuần trăng mật bằng chuyến hành trình đạp xe dài 38.143km qua ba châu lục.

Sau sáu tháng chu du, giờ đây cặp đôi này đã đi được khoảng 9.000km (tương đương ¼ hành trình dự kiến) qua nước Úc, đang ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Trở ngại lớn nhất của đôi vợ chồng trẻ chính là thời tiết.

Kat chia sẻ: “Bốn tháng đầu của chuyến đi vô cùng vất vả. Chúng tôi phải đạp xe trong nhiều điều kiện khắc nghiệt như mưa lớn, tuyết, gió mạnh… Chân tôi luôn ướt sũng nước. Không ít lần tôi muốn bỏ cuộc khi nhớ về cảm giác thoải mái, tiện nghi ở nhà”. Thế nhưng Kat đã rất nỗ lực, dù trước đây cô chưa bao giờ đạp xe quá 10m.

Cặp đôi xuất phát tại New Zealand, qua ba châu lục trong hai năm và sẽ kết thúc tại Anh năm 2014 - Ảnh: Daily Mail

Chặng hành trình sắp tới của Kat và Steve sẽ qua các nước Indonesia, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, Trung Quốc, Pakistan, Iran, Azerbaijan, Armenia, Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Âu. Cặp đôi này hi vọng có thể kết thúc chuyến đi tại Anh đầu năm 2014 và phá vỡ kỷ lục thế giới của vợ chồng nhà Shanbrook đã thiết lập từ 15 năm trước. Chuyến đi còn giúp Kat và Steve kêu gọi quyên góp ủng hộ cho Tổ chức Practical Action (chuyên hỗ trợ công nghệ và kỹ thuật cho những nước đang phát triển).

Steve Turner vốn là một giáo viên tiểu học. Anh chia sẻ: “Lúc trước chúng tôi không chắc lắm về kế hoạch này, nhưng giờ thì tôi và vợ tự tin sẽ hoàn thành tốt hành trình này. Chuyến đi giúp chúng tôi thấy và trải nghiệm cuộc sống ở nhiều nơi khác nhau, được kết bạn với nhiều người”.

Đôi vợ chồng thường dựng lều nghỉ ngơi dọc đường - Ảnh: Daily Mail

Steve tại Malaysia - Ảnh: Daily Mail

Chuyến đi đã giúp Steve và Kat (áo cam) kết bạn với nhiều người - Ảnh: Daily Mail

Qua chuyến đi Steve và Kat còn kêu gọi mọi người quyên góp cho từ thiện - Ảnh: Daily Mail

QUỲNH THY (Theo Daily Mail)

Lê Thị Ánh Hồng - giải nhất ấn phẩm quảng cáo công cộng

Lê Thị Ánh Hồng - giải nhất ấn phẩm quảng cáo công cộng

TTO - Cuộc thi thiết kế ấn phẩm quảng cáo công cộng với chủ đề “Vì thiên nhiên hoang dã” vừa công bố giải nhất thuộc về Lê Thị Ánh Hồng (TP.HCM) với tác phẩm có hình ảnh tiền rơi ra từ tê giác và thông điệp "Đừng thương mại hóa tự nhiên!”.

>> Khởi động chiến dịch “Thiên nhiên tôi chọn”
>> Đừng thể hiện đẳng cấp kiểu trọc phú
>> 2011 - “năm chết chóc” nhất của loài voi
>> "Ác như con tê giác"

"Đừng thương mại hóa tự nhiên!” - tác phẩm đoạt giải nhất của Lê Thị Ánh Hồng (TP.HCM) - Ảnh: BTC cung cấp

Giải nhất gồm 3 triệu đồng và giấy chứng nhận. Diễn ra trong hơn hai tuần, cuộc thi thu hút gần 80 tác phẩm của nhiều tác giả trong cả nước. Các tiêu chí đánh giá gồm: ý nghĩa thông điệp, giá trị thực tiễn, chất lượng nghệ thuật, yếu tố sáng tạo.

Toàn bộ bài thi hiện có tại trang web của chiến dịch http://www.vote4nature.350.org.vn và trang Facebook http://www.facebook.com/Vote4Nature.

Cuộc thi là một hoạt động của chiến dịch “Thiên nhiên tôi chọn” (Vote for nature), dành cho các cá nhân, đơn vị thiết kế đồ họa chuyên và không chuyên trên cả nước, nhằm lan tỏa tinh thần bảo vệ động vật hoang dã.

Chiến dịch “Thiên nhiên tôi chọn” với chủ đề "Vì động vật hoang dã" do ban điều phối phong trào chống biến đổi khí hậu 350.org Việt Nam thực hiện với sự bảo trợ của Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu (SCC) và sự hỗ trợ về kỹ thuật của Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WAR).

Xin giới thiệu đến bạn đọc các tác phẩm xuất sắc khác tại cuộc tranh tài này.

Tác phẩm đoạt giải nhì "Tôi ước” của Nguyễn Tuyết Ngân (TP.HCM) - Ảnh: BTC cung cấp
Tác phẩm đoạt giải ba đồng hạng “Robot - Tương lai của chúng ta” của Lê Tấn Tú (Đà Nẵng) với thông điệp “Không rừng, không động vật, chỉ có robot - Tương lai của chúng ta” - Ảnh: BTC cung cấp
Tác phẩm đoạt giải ba đồng hạng - bộ thiết kế “Kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã” của Lê Cảnh Bảo Quốc (Đà Nẵng) - Ảnh: BTC cung cấp

Tác phẩm đoạt giải Bình chọn trực tuyến - “Mã vạch thiên nhiên” của Nguyễn Văn Sao (Đà Nẵng) với thông điệp “Nói không với sản phẩm từ động vật hoang dã” - Ảnh: BTC cung cấp

Tác phẩm “Mẹ ơi” của Nguyễn Thành Trung (TP.HCM) - Ảnh: BTC cung cấp
Tác phẩm “Thần dược (?!)” của Lê Diệu Bang (TP.HCM) - Ảnh: BTC cung cấp
Tác phẩm “Hãy nói không với mật gấu” của Nguyễn Kiều My - Trương Bá Lợi (TP.HCM) - Ảnh: BTC cung cấp
Tác phẩm “Please!” của Lâm Tuấn Kiệt (TP.HCM) - Ảnh: BTC cung cấp
Tác phẩm “Tàn sát” của Lâm Tuấn Kiệt (TP.HCM) - Ảnh: BTC cung cấp

Tác phẩm “Zero” của Cao Nguyễn Ánh Tuyết (Bình Dương) - Ảnh: BTC cung cấp

Tác phẩm “Sự tuyệt chủng của loài voi” của Phạm Hải Hòa (Hà Nội) - Ảnh: BTC cung cấp

Tác phẩm “Cướp sừng đoạt mạng sống” của Phạm Vũ Hương Ly (TP.HCM)

TRUNG UYÊN

Xây dựng mới 15 làng thanh niên lập nghiệp

Xây dựng mới 15 làng thanh niên lập nghiệp

TT - Theo quyết định phê duyệt đề án quy hoạch xây dựng làng thanh niên lập nghiệp của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến năm 2020 sẽ xây dựng mới 15 làng thanh niên lập nghiệp. Theo đó, các làng này được lập tại các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hà Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận và Kon Tum.

Mục tiêu của đề án nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai còn hoang hóa ở các địa bàn dọc đường Hồ Chí Minh, biên giới và các vùng đặc biệt khó khăn để đưa vào sử dụng, tạo việc làm ổn định cho một bộ phận thanh niên khu vực nông thôn và người dân trên các địa bàn triển khai dự án. Trong đó, gắn việc xây dựng làng thanh niên lập nghiệp với xây dựng lực lượng thanh niên xung phong, xung kích tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại các địa bàn đặc biệt khó khăn...

Theo đề án, ngoài việc ổn định cho dân cư tại chỗ sẽ tiếp nhận gần 1.500 hộ thanh niên các địa phương khác đến lập nghiệp ổn định lâu dài, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên, khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai để phát triển sản xuất, trồng mới rừng phòng hộ đầu nguồn, phục hồi rừng sản xuất... Việc xây dựng các làng này gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 850 tỉ đồng.

Q.LINH

Lao xao chuyện “Hồ Gươm ngập rác sau đêm Noel”

Lao xao chuyện “Hồ Gươm ngập rác sau đêm Noel”

TT - Chỉ vài giờ sau khi được đưa lên mạng vào chiều 25-12, loạt ảnh rác thải lều bều trên mặt hồ Gươm sau đêm Giáng sinh đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt.

Một góc hồ Gươm sau đêm Giáng sinh - Ảnh: ANH TUẤN

Câu hỏi về ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng của một bộ phận người Việt trẻ lại được đặt ra và gây “bão” tranh luận khắp nơi.

Người trẻ nói gì?

Với từ khóa “Hồ Gươm ngập rác sau đêm Noel” trên trang công cụ tìm kiếm Google, có gần 11.000 kết quả được trả về!

“Tức giận và thất vọng, nhất là khi thấy trong hình chỉ toàn gương mặt trẻ”, bạn Nguyễn Trần Anh Thu (thôn Phú Mỹ, Từ Liêm, Hà Nội) bức xúc. Thu còn khẳng định đây không phải là lần đầu tiên bạn chứng kiến cảnh hồ Gươm bị ngập trong rác.

Tương tự, bạn Vũ Thái Hà (ngõ chợ Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) cho biết đã nhiều lần thấy cảnh người dân vô tư vứt rác thải, xác động vật ra giữa lòng đường thủ đô. Tuy nhiên, bạn cho rằng sự việc trên không chỉ diễn ra ở Hà Nội mà còn ở nhiều địa phương khác.

Làm việc ở một tập đoàn nước ngoài, bạn Nguyễn Thị Thu Hà (Phú Mỹ Hưng, Q.7) nhìn nhận: “Trước giờ người nước ngoài vẫn thường than phiền về vấn đề xả rác ở VN mà. Chỉ có điều chưa có thống kê cụ thể nào được thực hiện thôi”.

“Ngày tận thế không xảy ra, nhưng văn hóa con người VN đã bị tận diệt!”, nick tran_cao_ha viết trên một trang tin tức. Lời cảm thán của bạn đã nhận được sự đồng cảm lớn với hơn 1.000 lượt like.

Phải chăng “cha chung không ai khóc”?

Đó là suy nghĩ chung của các bạn trẻ khi được hỏi về nguyên do dẫn đến những hình ảnh kém đẹp trên.

“Thật đáng lo ngại khi việc thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh chung đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người Việt. Ai cũng đưa lợi ích bản thân lên trên hết”, bạn Anh Tuấn (Công ty Riverorchid PR) chia sẻ. Bạn Nguyễn Thị Xuân Dung (Lê Văn Sỹ, Q.Phú Nhuận) thì tin rằng: “Những người tham gia xả rác kia chắc chắn không vứt rác bừa bãi tại nhà mình cũng như sẽ rất khó chịu nếu ai đó vô tình hay cố ý giẫm lên hoa, vứt rác trước nhà họ. Nói cách khác, tất cả là do sự ích kỷ”. Hai bạn cho rằng biện pháp răn đe những đối tượng thiếu ý thức này ở VN còn mang tính phong trào, lỏng lẻo so với một số quốc gia khác trong khu vực, nên chưa tác động nhiều tới người dân. “Ở bờ hồ có một tổ trật tự công cộng nhưng rất ít người và chỉ làm nhiệm vụ chủ yếu là tuýt còi cấm xe máy đi ven hồ. Không ai nhắc nhở hay phạt thì làm sao người ta sợ?”, Anh Thu bổ sung.

Ngọc Mai (du học sinh Mỹ) lại không quên được câu chuyện về vị doanh nhân người Nhật Ninomiya cần mẫn đi nhặt rác hồ Gươm mỗi sáng chủ nhật và được báo chí đề cập vào đầu tháng 10-2012. “Tại sao một người nước ngoài lại có ý thức, biết trân trọng mảnh đất Việt, còn người dân trong nước lại không?”, bạn tự hỏi.

Bên cạnh những lý do trên, Thái Hà cho rằng các phương tiện phục vụ việc thu gom rác thải chưa thật sự đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân.

Từ Anh, bạn Huy Lê (Học viện Hoàng gia London) lại cho rằng căn nguyên vấn đề nằm ở cách giáo dục. “Ở VN, tôi thấy người trẻ phải chạy đua theo thi cử thành tích... trong khi những thứ quan trọng khác như trau dồi nhân cách lại không được đào tạo bài bản”, bạn phân tích.

“Họ là người Hà Nội hay dân nhập cư? Hà Nội thì vậy đấy chắc gì nơi khác đã khá hơn?”... đó là những câu hỏi đang gây tranh luận dữ dội trên các diễn đàn. Biết được điều này, bạn Park Hyeon (người Hàn Quốc, từng tới VN nhiều lần) chỉ góp ý ngắn gọn: “Sẽ được gì khi các bạn chỉ mãi đổ lỗi cho nhau thay vì cùng nhìn thẳng vào vấn đề để đưa ra giải pháp?”.

Được và mất

Ngọc Mai cho biết mỗi khi những hình ảnh về nạn xả rác bừa bãi ở VN được tung lên mạng, bạn rất ngại khi phải giải thích vấn đề với bạn bè nước ngoài. “Những việc như thế này không chỉ làm xấu đi hình ảnh của đất nước VN mà còn khiến giới du học sinh Việt thấy rất xấu hổ”, bạn thở dài. Đáng ngại hơn, Ngọc Mai cho rằng khi niềm tự hào dân tộc bị tổn thương thì người trẻ sẽ không còn động lực phấn đấu cho quê hương mà xoay sang sống vì mưu cầu lợi ích cá nhân hoặc chối bỏ nguồn cội.

“Bạn sẽ thấy rác khắp nơi ở Hà Nội”, đó là điều cô bạn Brianne Crisanti (người Canada) đọc được ở cuốn cẩm nang, các trang thông tin du lịch trên mạng. Từ việc bán tín bán nghi, Brianne trở nên thất vọng thật sự khi thấy Hà Nội ngoài đời thực. Brianne không quên nhắn gửi với Anh Thu: “Nếu ở VN chắc tôi sẽ nhiễm thói vứt rác ra đường mất”. Không chỉ Brianne mà Park Hyeon cũng quả quyết: “Nếu không phải vì công việc thì tôi cũng chẳng muốn tới VN do rất ngại vấn đề vệ sinh công cộng”.

Xuân Dung cho rằng dưới tác động mạnh mẽ của Internet, những hình ảnh về hồ Gươm ngập rác chắc chắn đã được lan truyền khắp nơi và đang làm xấu đi hình ảnh VN nói chung, người Việt nói riêng. “Và sẽ gây ra sự tiếc nuối về giá trị nghìn năm văn hiến của thủ đô Hà Nội, sự thanh lịch của người Tràng An”, bạn nói.

“Đạp đổ thì dễ chứ gầy dựng lại hình ảnh là vô cùng khó. Các bạn hãy quyết tâm đồng lòng hành động trước khi mọi chuyện quá trễ”, Park Hyeon nói.

CÔNG NHẬT

Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Hơn 1.500 đầu việc làm tết 2013 chờ SV

Hơn 1.500 đầu việc làm tết 2013 chờ SV

* SAC: 1 tỉ đồng hỗ trợ vé xe tết cho SV nghèo

TT - Đã có 90 đơn vị, doanh nghiệp đăng ký hơn 1.500 chỉ tiêu lao động - việc làm chương trình “Việc làm Tết Quý Tỵ 2013” tại Trung tâm Hỗ trợ HSSV TP.HCM (SAC).

SV tìm việc làm tết tại SAC - Ảnh: Thủy Ngọc 

Hoạt động triển khai từ ngày 12-12-2012 đến 20-2-2013 với dự kiến giới thiệu việc làm cho gần 4.500 SV trong dịp Tết Nguyên đán 2013. Tuy nhiên tính đến thời điểm này (ngày 19-12-2012), trung tâm đã giới thiệu việc làm cho gần 450 SV có việc làm.

Năm nay các lĩnh vực bán hàng, thu ngân, bảo vệ, phụ kho, gói quà, khảo sát thị trường, ông già Noel, hoạt náo viên... được rao mức thù lao 30.000-84.000 đồng/giờ (thời gian làm việc dao động từ 7g-15g; 9g-11g hoặc 14g-22g). Riêng các đầu việc trực tổng đài, phụ bếp, nhân viên vận hành và kiểm tra an toàn máy, kế toán, nhân viên văn phòng - kinh doanh - thiết kế - thanh toán... có mức lương + phụ cấp + thưởng từ 2-5 triệu đồng/tháng trở lên. Liên hệ: 33 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM.

* 3.000 vé xe tết 2013 (khoảng 1 tỉ đồng) vừa được SAC dành hỗ trợ các đối tượng HSSV có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh thành đang theo học các trường CĐ-ĐH, TCCN trên địa bàn TP.HCM. SV có thể nộp hồ sơ xét tặng vé xe ngay tại Đoàn - Hội SV các trường. Các chuyến xe sẽ lăn bánh vào sáng 2-2-2013 (nhằm 22-12 âm lịch) trong lễ tiễn SV về quê đón tết.

THỦY NGỌC

Việc cuối năm: 12.000 -15.000 đồng/giờ

Việc cuối năm: 12.000 -15.000 đồng/giờ

TT - Đang là thời điểm sinh viên và những người tìm việc thời vụ có nhu cầu tăng cao, nhưng việc làm thời vụ cuối năm nay giảm nhiều so với mọi năm.

Công việc thời vụ dịp này: trang trí gấu cho ngày Noel - Ảnh: NGỌC TRƯỜNG

Bạn Nguyễn Thị Khiêm, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, hiện đang tìm công việc ngày thứ bảy, chủ nhật nhưng chưa có. “Hầu hết là các công việc theo ca 6g-8g, các công việc ngày nghỉ hoặc ngắn ngày rất ít”, Khiêm cho biết.

Rao tuyển giảm

12.000 đồng - 15.000 đồng/giờ

Mức thu nhập cho công việc thời vụ thời gian này khoảng 12.000 - 15.000 đồng/giờ, so với năm trước cũng không tăng bao nhiêu. Các công việc thời vụ đều kéo dài đến cận tết âm lịch mới kết thúc.

Anh Nguyễn Trọng Hoàng, trưởng phòng hỗ trợ đời sống sinh viên (Trung tâm Hỗ trợ học sinh - sinh viên TP.HCM), cho biết hiện trung tâm có 110 đơn vị đăng ký tuyển dụng với hơn 1.900 đầu việc thời vụ dành cho các bạn trẻ. Trong đó, công việc tại siêu thị và làm bảo vệ chiếm đến 80%. “Các công ty và doanh nghiệp lớn vẫn duy trì số lượng tuyển dụng như hằng năm. Nhưng các công ty nhỏ thì năm nay không chỉ giảm về số lượng tuyển mà số công ty đăng ký tuyển dụng cũng giảm”, anh Hoàng nhận định.

Anh Trần An, phụ trách tuyển dụng Công ty TNHH TMDV Sài Gòn Thứ Bảy, cho biết dịp cuối năm các công ty thường thuê nhân viên đóng giả nhân vật hoạt hình để tham gia các sự kiện, nhưng năm nay các công ty chỉ thuê đồ cho chính nhân viên mặc nên Sài Gòn Thứ Bảy ít tuyển nhân viên thời vụ.

Tương tự như vậy, tuyển lao động thời vụ cuối năm tại Trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề và hỗ trợ việc làm thanh niên (Yes Center, Thành đoàn TP.HCM) cũng chỉ có gần 700 đầu việc. “Mọi năm các công ty tuyển người đóng vai ông già Noel đi giao quà, năm nay gần như không có. Số lượng doanh nghiệp đăng tuyển các việc khác cũng không nhiều”, chị Kim Phụng, phụ trách tuyển dụng tại trung tâm, cho biết.

Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM đang đăng tuyển gần 1.500 đầu việc, so với cùng thời gian năm trước số vị trí tuyển dụng và sự đa dạng các ngành nghề cũng giảm mạnh. Chỉ có nhóm công việc về an ninh như nhân viên áp tải, bảo vệ tăng nhiều nhưng ít người lao động lựa chọn vì lương thấp.

Tìm việc qua bạn bè

Tìm việc tại Trung tâm Yes Center không được, Huỳnh Văn Quang - sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM - tiếp tục đến Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên TP.HCM. “Mình nhắm được việc làm bán hàng thời trang tại Trung tâm Yes Center nhưng chưa ưng ý lắm. Tại Trung tâm Hỗ trợ học sinh - sinh viên cũng phần nhiều là việc bán hàng trong siêu thị. Thôi thì chọn đại”, Quang chia sẻ. Nhiều sinh viên khác cũng như Quang, chọn một việc gì đó dù chưa ưng ý.

Những sinh viên có kinh nghiệm làm thêm lâu năm còn tự kiếm việc thông qua bạn bè giới thiệu. Nguyễn Thị Kim Yến (khoa du lịch ĐH Văn hóa TP.HCM) cho biết: “Trong thời gian nghỉ ôn thi một tháng, mình muốn đi làm thêm kiếm tiền về xe nhưng khó quá. May mắn được một chị quen trong trường giới thiệu đi làm tiếp tân cho một công ty tổ chức sự kiện vào hai ngày cuối tuần với mức thù lao 200.000 đồng/ngày”. Theo Yến, thường các công việc do bạn bè truyền tai nhau rất hiếm và có mức thù lao khá cao so với các đầu việc ở trung tâm.

Công việc tiếp tân ở các sự kiện, khảo sát thị trường, phụ cho các tour, làm khán giả game show, ngắt lá mai mùa tết... là những công việc được nhiều sinh viên chọn làm vì thu nhập tốt.

N.TRƯỜNG - PHƯỚC TUẦN

Trên 13.000 người có việc làm

Trên 13.000 người có việc làm

TT - Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) TP.HCM vừa báo cáo công tác GTVL năm 2012. Theo đó, trong năm 2012 Trung tâm GTVL TP tổ chức 19 phiên giao dịch việc làm và có trên 13.300 người được tuyển dụng.

Chưa kể số lao động được tuyển dụng tại 15 sàn giao dịch lưu động mà Trung tâm GTVL TP phối hợp thực hiện tại các quận huyện, trường học.

Ông Nguyễn Cao Thắng, phó giám đốc Trung tâm GTVL TP, cho biết hằng tháng khoảng 800 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với gần 1.000 đầu việc và gần 8.000 vị trí tuyển dụng. Mức lương ban đầu cho lao động có tay nghề, có chuyên môn kỹ thuật trên 4 triệu đồng/ tháng và mức lương việc làm thời vụ trong 1- 3 tháng từ 2 triệu - 3 triệu đồng/tháng.

Ông Thắng cho biết trong năm 2013, Trung tâm GTVL TP chú trọng tiếp cận các nguồn lao động tại các trường học, trường nghề, lao động thất nghiệp... có kỹ năng phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nhằm tăng hiệu suất GTVL.

TRUNG CƯỜNG

Cô gái mang “nắng ấm”

Bài thi viết “Người phụ nữ trong tôi” MÃ SỐ: 005

Cô gái mang “nắng ấm”

TT - Lùn, mập là hai yếu tố có thể “giết chết” cái đẹp hình thể của người phụ nữ. Nhưng bạn ấy có duyên, dễ thương với đôi mắt to, nụ cười để lộ hai lúm đồng tiền.

Huba - Vũ Ngọc Ái Vy (bên phải), cô gái yêu thích hoạt động tình nguyện - Ảnh: Tác giả cung cấp 

Tất nhiên, quan trọng với tôi không phải là duyên hay đẹp thuộc về hình thể, bởi tôi thuộc típ người “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Điều tôi cảm thấy gần gũi, thân thương và có thể nói chuyện, tỉ tê với bạn ấy nhiều lần ở quán cà phê quen đó chính là ở tâm niệm với cuộc sống và những việc bạn đã làm, đã sẻ chia.

Biết bạn từ chương trình tình nguyện “Góp nắng xuân” 2012 do Câu lạc bộ tình nguyện Ngàn hạc giấy tổ chức và ấn tượng về bạn trong vai tổng điều phối chương trình.

Từ việc lên chương trình, đi tiền trạm, làm cầu nối dắt dẫn những người trẻ đồng trang lứa - tình nguyện viên tham gia chương trình đều do bạn quán xuyến chính. Chịu trách nhiệm về một chương trình dẫu là làm trên tinh thần tình nguyện thì đó cũng là bản lĩnh mà người “đầu tàu” rất quan trọng.

Ban tổ chức cuộc thi Người phụ nữ trong tôi đến ngày 21-12 đã nhận được bài dự thi của các tác giả: Đinh Thành Trung (Hà Nội); Phạm Anh Tuấn (Nam Định); Lê Thị Thu Hảo (Thừa Thiên - Huế); Nguyễn Thành Giang (Quảng Nam); Lệ Hoa (Đồng Nai); Nguyễn Ngọc Hà, Triều An, Trần Văn Tám, Nguyễn Ngọc Minh, Lưu Đình Long, Ninh Bình, Văn Thanh, Lê Thị Nhung, Lê Thư, Huỳnh Thanh Thảo, Kim Phúc (TP.HCM); Đặng Thị Hoàng (Bến Tre); Thanh Vân, Nguyễn Thị Mây (Trà Vinh); Lữ Ngọc Trân (Hậu Giang); dinhthu4338@yahoo.com.

Là con gái không chải chuốt, không quá quan trọng ngoại hình, lại biết dấn thân như bạn thời nay thật đáng quý. Bạn ấy lo cho chương trình “góp nắng” và thực hiện bằng cách cùng với những tình nguyện viên khác bon bon xe máy từ TP.HCM vượt hàng trăm cây số lên Tây nguyên, hết ghé Gia Lai đến Đắk Lắk để tìm chỗ nào nghèo khó nhất.

“Hầu mong mang món quà ý nghĩa đến với họ, trao đúng người, dẫu ít...”, đó là tâm niệm của bạn. Nhờ thế những điểm đến trong tuyến chương trình “Góp nắng xuân” của Ngàn hạc giấy luôn là điểm đáng nhớ vì... đáng thương, vì đồng bào dân tộc nơi ấy còn nghèo, còn nhiều thiếu thốn. Cư K’Bang (EaSup, Đắk Lắk) là địa danh lưu dấu những bước chân tình nguyện, những “cánh hạc” từ thành phố và nhất là dấu chân cô điều phối chương trình thâm thấp, quyết đoán, không ngại khó, ngại khổ đi tiền trạm, lên chương trình.

Những nụ cười tươi rói của những người dân nơi tôi đến, cùng với Ngàn hạc giấy sẻ chia trong những ngày cuối năm năm ngoái vẫn còn vẹn nguyên, và vẹn nguyên trong tôi niềm quý mến bạn ấy - Huba, nickname hay Vũ Ngọc Ái Vy, tên thật của bạn.

Trở về TP.HCM anh em đôi lần gặp nhau là đôi lần tôi... trễ hẹn, còn Ái Vy thì luôn đúng giờ. Và quà trong những lần gặp tôi luôn là sách, những cuốn mới nhất và được bạn ấy chọn lựa thật kỹ. Tôi đã đọc nhiều hơn, đã nghiêm túc hơn sau vài lần hẹn đầu vì sự nghiêm túc âm thầm của Vy hay vì một vài lời nhắc khe khẽ: “Anh trễ hai lần rồi nghe. Lần nào em cũng đợi...”.

Cà phê đen không đường là món Vy dùng mỗi khi gặp tôi. Tôi nói thật nhiều và Vy thường nghe tôi chia sẻ, thi thoảng góp vài câu là những lời đúc rút chân thành. Tôi khen bạn ấy giỏi thì bạn ấy cười tươi rói bảo: “Em có làm gì đâu, mấy chương trình đó các bạn mỗi người góp một tay ấy mà”.

Nhưng tôi biết với Vy, không phải chỉ giỏi mà còn có tâm. Làm chương trình ở nơi nào đó không phải chỉ đến một lần mà thời gian ngăn ngắn sau bạn lại “lôi kéo” bạn bè cùng lên thăm lại “chốn xưa”. Như Cư K’Bang chẳng hạn. Sau hai lần tổ chức “Góp nắng xuân” 2011, 2012 tháng 10 vừa rồi bạn lên thăm lại và về tổ chức “Chờ đông”, huy động áo ấm cho mấy đứa trẻ đón mùa đông thêm ấm, “vì trời cao nguyên lạnh lắm”, Vy nói. Đầu tháng 12-2012 Vy thông báo chương trình đã đủ 270 cái áo, quà bánh và sữa.

Chương trình vừa xong thì ”Góp nắng xuân” 2013 cũng do Vy “chủ xị”, lại một mình đi tiền trạm và lần này là Krông Bông (Đắk Lắk). Đến xứ sở cao nguyên nghèo xác xơ đó về, Ái Vy chia sẻ: “Nơi này cũng nghèo lắm anh”. Thế là lại lăng xăng trong những ngày cuối năm, lại cùng những tình nguyện viên trẻ như mình vận động để cuối tháng 1-2013 mang “nắng” lên cao nguyên với những phần quà ấm nồng từ những tấm lòng khắp nơi...

TT

Phẫn nộ trước hành vi vô cảm

Qua vụ kẻ tâm thần đâm học sinh trường tiểu học ở Trung Quốc:

Phẫn nộ trước hành vi vô cảm

TT - Người Mỹ đang tranh cãi về việc hạn chế súng đạn sau vụ thảm sát ở Connecticut. Tại Trung Quốc cũng nổ ra một cuộc tranh luận sau vụ một kẻ tâm thần cầm dao xông vào trường tiểu học đâm bị thương 23 học sinh.

Một học sinh bị thương ở đầu đang được điều trị tại bệnh viện - Ảnh: CFP

Theo báo Đô Thị Nam Phương, trước vụ thảm sát ở Trường Sandy Hook tại Mỹ vài giờ, sáng 14-12 một kẻ rối loạn tâm thần tên Mẫn Ứng Quân, 36 tuổi, đã cầm dao xông thẳng vào Trường tiểu học thôn Trần Bằng, huyện Quang Sơn, tỉnh Hà Nam. Hắn chém túi bụi vào học sinh khiến 23 em nhỏ từ 6-11 tuổi bị thương.

Thầy cô ở đâu?

Khi đó chẳng thấy bóng dáng thầy cô giáo nào xuất hiện ngăn chặn hung thủ. Báo Đô Thị Nam Phương và báo mạng Tân Lãng dẫn nguồn tin cảnh sát cho biết đa số thầy cô lúc đó đã vội vàng tháo chạy thoát thân khi hung thủ đâm chém học sinh. Một số thầy cô khác không có mặt ở trường do đến muộn. Các nhân chứng chỉ thấy bóng dáng một số thầy cô giáo khi nhiều học sinh kêu khóc, chạy túa ra ngoài sân trường, sau lưng là gã tâm thần vung dao đuổi theo.

Một hình ảnh khác trong vụ thảm sát ở bang Connecticut (Mỹ): Theo CNN, khi nghe tiếng súng nổ bên ngoài cổng trường, hiệu trưởng Dawn Hochsprung, chuyên gia tâm lý trường Mary Sherlach và hiệu phó Natalie Hammond lập tức lao ra khỏi văn phòng. Cả ba đã lao tới hung thủ Adam Lanza để ngăn cản hắn, bất chấp việc phải đối mặt với khẩu súng. Hiệu phó Hammond bị thương nặng, cô dùng cơ thể mình ngăn Lanza xông vào bên trong nhưng vô hiệu. Khi đó, cô giáo Victoria Soto đưa học sinh cách xa khỏi cánh cửa phòng học. Lanza xông vào, cô lập tức đứng chắn trước các học sinh. Lanza xả súng bắn chết cô. Cảnh sát cũng tìm thấy thi thể cô giáo Anne Marie Murphy trong một phòng học. Cô chết trong tư thế ôm lấy một số học sinh. Các chuyên gia pháp y cho biết cô lấy thân mình làm lá chắn để cố cứu các em.

Hành vi của các thầy cô giáo ở Trường tiểu học thôn Trần Bằng đã khiến dư luận Trung Quốc rất bức xúc. “Khi bọn trẻ kêu gào để được giúp đỡ dưới sự uy hiếp của mũi dao thì các giáo viên cứ chết gí ở một chỗ nào đó” - báo Tin Tức Bắc Kinh dẫn lời nhà văn Hàn Hàn phê phán. Chuyên gia giáo dục Trình Phương Bình thuộc Đại học Nhân dân khẳng định Trung Quốc cần giáo dục các giáo viên để họ hiểu rằng trách nhiệm của họ không chỉ là dạy chữ mà còn là đảm bảo sự an toàn cho học sinh.

Xát muối vào nỗi đau!

Tân Hoa xã đưa tin ngày 17-12, chính quyền huyện Quang Sơn đã ra lệnh sa thải hai lãnh đạo Trường tiểu học thôn Trần Bằng cùng cảnh sát trưởng thị trấn Văn Thù, hai nhân viên cao cấp của phòng giáo dục huyện và một nhân viên an ninh.

Điều đáng nói là khi 23 học sinh nhỏ tuổi còn đang nằm trong bệnh viện, tờ Nhật Báo Tín Dương của huyện Quang Sơn lại đăng bài “Quang Sơn thực hiện tốt việc giáo dục khiến người dân vừa ý”, trong đó ca tụng hết lời nền giáo dục tại huyện nhà.

Dư luận và cả truyền thông Trung Quốc giận dữ cho rằng chính sự vô trách nhiệm của tờ báo này đã xát thêm muối lên vết thương của học sinh và gia đình. “Giữa lúc học sinh phải hứng chịu đau thương do sự thiếu trách nhiệm của thầy cô và nhân viên nhà trường thì một bài viết như thế lại xuất hiện trên mặt báo” - một blogger bức xúc viết trên trang mạng Weibo.

Tiếp theo đó, phòng tuyên truyền của huyện Quang Sơn còn lên kế hoạch viết một bài báo ca ngợi người “anh hùng” lái xe đã đưa các học sinh bị thương đến bệnh viện, như tin của tờ Nhật Báo Tín Dương viết. Cơ quan này tuyệt nhiên không đả động gì đến trách nhiệm của các thầy cô và nhân viên nhà trường khi xảy ra vụ tấn công kinh hoàng.

“Họ chỉ lo chuyện ca ngợi mà không để ý đến trách nhiệm của mình trong việc giải quyết hậu quả. Việc một người đưa các học sinh đến bệnh viện thì có gì mà phải xưng tụng anh hùng. Truyền thông Trung Quốc đã quá quen với việc dùng hình mẫu anh hùng để lấp đi bao nhiêu khuất tất bên trong” - Nhật Báo Trường Giang dẫn lời một người dân huyện Quang Sơn phê phán.

Tân Hoa xã tiết lộ chính quyền huyện Quang Sơn đã ra lệnh cho truyền thông địa phương không được đưa tin về vụ tấn công học sinh. Các giáo viên và nhân viên trong nhà trường cũng bị buộc phải im hơi lặng tiếng trước truyền thông. Sau vụ việc, khi phóng viên các báo đến phỏng vấn, các quan chức địa phương đều tìm cách lánh mặt khỏi văn phòng, còn số khác “tập trung”... chơi điện tử trên điện thoại.

Cũng liên quan đến việc thông tin vụ tấn công này, cư dân mạng Trung Quốc trách cứ các cơ quan truyền thông chính thức đã làm lơ mà quan tâm đến vụ tấn công ở Mỹ nhằm tránh làm nóng những vấn đề xã hội Trung Quốc có thể dẫn đến bạo lực.

“Điều làm tôi giận dữ là có thể xem đủ thứ tường thuật, phóng sự về vụ thảm sát ở Mỹ trên báo đài Trung Quốc, nhưng lại chẳng thấy điều gì diễn ra vào ngày 14-12 ở tỉnh Hà Nam cả” - một cư dân mạng tên Zhang Kailino303 viết.

HOÀNG NGỌC - SƠN HÀ

Phá thai hay không: cuộc sống còn mãi ngoài kia...

Phá thai hay không: cuộc sống còn mãi ngoài kia...

TTO - Hãy vững vàng đứng lên từ nơi vấp ngã để làm lại từ đầu, hãy dám chịu trách nhiệm với việc làm của mình như người trưởng thành, hãy dũng cảm đón nhận thiên thần nhỏ như món quà kỳ diệu của cuộc sống...

Đó là những lời khuyên, lời động viên của bạn đọc dành cho Nhung - tác giả tâm sự Phá thai "vì tương lai"?.

Nếu mang thai ngoài ý muốn, hãy vững vàng đứng lên từ nơi vấp ngã để làm lại từ đầu bởi cuộc sống còn mãi ngoài kia - Ảnh minh họa từ blogspot.com

Vững vàng đứng lên tại nơi vấp ngã

Nhân đọc câu chuyện Phá thai "vì tương lai"? của bạn đọc tên Nhung, tôi muốn chia sẻ câu chuyện của bạn thân tôi.

Tính cách cô ấy có phần giống Nhung: dễ yêu, nhanh yêu, yêu ai cũng yêu mãnh liệt dù đó có thể là một người mà bạn bè, người thân không hề có thiện cảm.

Cô ấy sống chung với kẻ "đào mỏ" sau một thời gian yêu nhau dù bạn bè kiên quyết khuyên can. Lúc ấy, cô ấy mới 21 tuổi và đã có thai. Chính bạn trai sống chung nhà với cô ấy đã phủ nhận mình là tác giả cái thai ấy và dọn đi nơi khác. Không còn cách nào khác, cô ấy lén đi phá thai.

Không biết có phải vì lúc ấy phá thai ở một nơi không đảm bảo mà đến nay có chồng ba năm rồi mà chưa có thai. Gia đình chồng hối chuyện con cái, cô ấy đành nói dối là đang kế hoạch vì điều kiện làm việc, kinh tế chưa cho phép. Còn gia đình cô ấy thừa biết vì sao cô ấy lâu có con, thậm chí là vô sinh. Chồng cô ấy khát khao tiếng trẻ thơ và dần dần nghe về chuyện quá khứ của cô ấy dù cô đã rất cố gắng chôn chặt. Nói chung, mấy ai bịt được miệng thiên hạ?

30 tuổi, lại sắp sang tuổi mới nhưng cô ấy vẫn chưa được làm mẹ và có thể mãi mãi không bao giờ được làm mẹ. Cuộc hôn nhân ngày càng trầm lắng bởi sự thờ ơ của người chồng. Thậm chí gia đình vợ có sự kiện gì, chồng cô ấy cũng không thèm về tham dự.

Cô ấy cố gượng cười, cố tỏ ra đang hạnh phúc nhưng ai tinh ý sẽ nhận ra những bất hạnh mà cô ấy phải gánh chịu. Dù sống trong ngôi nhà riêng to rộng, sang trọng tại thành phố, dù có công việc thích hợp lương cao nhưng càng ngày cô ấy càng héo hắt. Âu đây cũng là cái giá phải trả bởi tuổi trẻ cô đã sống dễ dãi, buông thả và dễ dàng phá bỏ đứa con chưa kịp tượng hình. Giờ đây cô ấy có hối hận thì đã muộn màng. Tương lai gia đình phía trước thật mịt mờ.

Trở lại chuyện Phá thai "vì tương lai"? của Nhung, chưa gì hết, hai gia đình chỉ mới cho tìm hiểu, nào đã lễ nghĩa gì đâu mà bạn đã trao đời con gái cho người ta? Mà lúc đó bạn cũng vừa mới qua tuổi hai mươi, chưa đủ trưởng thành để hiểu những hậu quả của việc quan hệ như thế!

Đã vậy, mới chỉ sau hai năm, vừa gặp một người khác, chưa kịp tìm hiểu bạn đã vội đốt cháy giai đoạn đến mức có thai; người ta nhanh chán bạn khi chưa kịp yêu là phải. Anh ta khẳng định là chưa yêu bạn, mới thương thôi thì bạn đã tự nguyện hết dâng cho người ta, người ta khinh bạn, cho rằng bạn dễ dàng với bất cứ chàng trai nào là phải. Người ta cũng sẽ không tin cái thai đó là sản phẩm của người ta, mà biết đâu của bạn với một người nào đó.

Tôi kể chuyện bạn thân của tôi với hi vọng Nhung hiểu thêm về những hậu quả của việc phá thai, có thể vô sinh, có thể hôn nhân tan vỡ, có thể chồng khinh bỉ vì sự buông thả thời tuổi trẻ. Vậy nên, cha mẹ bạn có sốc nhưng cũng không nỡ từ bỏ bạn.

Tôi nghĩ Nhung hãy nói thật để gia đình giúp đỡ mình. Đứa bé sẽ giúp bạn lấy lại thăng bằng trong cuộc sống. Biết đâu bạn sẽ sống có trách nhiệm hơn và hạnh phúc dẫu muộn màng cũng sẽ đến với bạn.

Và cũng biết đâu khi nhìn thấy đứa bé kháu khỉnh, giống mình như đúc, cha đứa bé sẽ nghĩ lại và có trách nhiệm với mẹ con bạn? Hãy vững vàng đứng lên từ nơi vấp ngã để làm lại từ đầu. Chúc bạn trưởng thành và chín chắn hơn!

PHẠM THỊ TRANG

Đứa bé sẽ là động lực cho bạn

Bạn Nhung thân mến, bạn hãy vươn lên bạn nhé, vì bạn và vì đứa bé. Có thể tương lai trước mắt bạn sẽ gặp phải nhiều khó khăn nhưng mình tin đứa bé sẽ là niềm động lực sống và là hạnh phúc cho bạn. Không một ai trên thế giới này có thể chối từ một gương mặt thiên thần và biết đâu đó sẽ là lực hút để người bạn trai đó quay về với bạn.

Trước mắt, bạn hãy cố vượt qua những khó khăn hiện tại để sinh bé. Mọi người xung quanh sẽ giúp bạn vượt qua thử thách này.

Mình cũng muốn gửi vài lời đến người bạn trai của bạn Nhung. Nếu bạn thật sự là người đàn ông có trách nhiệm và có bản lĩnh thì bạn hãy chịu trách nhiệm về chuyện đã làm. 

Nguyễn Minh Tuấn

Gia đình sẽ yêu thương, chở che

Gửi bạn Nhung trong tâm sự Phá thai "vì tương lai"?. Có một đứa bé là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Nhung đừng quan tâm nhiều vào những gì xung quanh nhìn mình như thế nào. Gia đình bạn dẫu có giận bạn thật nhiều thì rồi cũng sẽ mở rộng vòng tay ôm ấp yêu thương che chở cho bạn thôi.

Dư luận ư? Cũng nặng nề đấy nhưng rồi với thời gian, mấy ai còn rảnh rỗi quan tâm đến chuyện của bạn, khi họ cũng bù đầu cho cơm áo gạo tiền. Hãy tin rằng khi bạn ôm đứa bé vào lòng, bạn sẽ thấy những lời này là chính xác. Bạn hãy yêu thương bản thân mình hơn nhé.

Nếu có thể, bạn cũng hãy quên người đàn ông đã nhẫn tâm chối bỏ giọt máu của mình, thờ ơ trước nỗi đau đớn về thể xác lẫn tinh thần của bạn. Người đó không xứng đáng để bạn yêu thương đâu.

Bạn cứ xem đây là bài học đắt giá của cuộc đời. Hãy sống dũng cảm lên nhé!

Lê Thị Hồng Thắm

Hãy biết bảo vệ mình khi quan hệ

Quan hệ tình dục là nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người. Nhưng các bạn hãy suy nghĩ thật kỹ khi quyết định làm chuyện đó, vì đây là việc ảnh hưởng đến tương lai, sức khỏe sinh sản và cả hạnh phúc sau này của bạn. Hãy tìm hiểu và sử dụng các biện pháp tránh thai khi bạn chưa kết hôn. Đừng để mọi việc trở nên quá muộn.

Cảnh Hồ

* Tuổi Trẻ Online xin tạm khép lại câu chuyện này ở đây. Cảm ơn những chia sẻ của bạn đọc và thân chúc Nhung sẽ có được quyết định phù hợp cũng như tìm được hạnh phúc ở hành trình phía trước.

>> Phá thai - phá cả tương lai?
>> Phá thai "vì tương lai"?
>> Con có nên bỏ thai không mẹ? 

TTO

Nhút nhát, thiếu tự tin

Nhật ký phóng viên

Nhút nhát, thiếu tự tin

TT - Cuộc hội thảo “Định hướng nghề nghiệp và giải đáp thắc mắc về du học - học bổng” vừa diễn ra tại TP.HCM chỉ có hơn 30 bạn trẻ tham dự dù được mời rộng rãi.

Có lẽ do buổi trao đổi chỉ toàn bằng tiếng Anh nên kén người. Không khí buổi trao đổi vẫn nghe nhiều hơn hỏi mặc dù các giáo sư Philip Zerillo - giám đốc chiến lược tại Trường kinh doanh Lee Kong Chian (Singapore) và ông Steven Burton - phó chủ nhiệm đào tạo các ngành sau đại học tại Trường đại học Quản trị kinh doanh Singapore, tỏ ra gần gũi và sẵn lòng giải đáp mọi điều.

Chị Đào Thị Hoàng Lan, một thành viên ban tổ chức, cho biết: “Trong suốt tám hội thảo mà chúng tôi đã thực hiện năm nay, chỉ một lần có không khí sôi nổi khi khách mời là những anh, chị đã có kinh nghiệm làm việc ít nhất 10 năm”. Giáo sư Philip Zerillo cũng chia sẻ sau buổi nói chuyện: “Giống như những người trẻ khác, các bạn cũng thường băn khoăn về nghề nghiệp, định hướng tương lai và năng lực bản thân. Nhiều bạn tại hội thảo khá thụ động, nếu các bạn mạnh dạn thì tốt hơn và tôi chắc sẽ giúp được nhiều hơn”.

Thiếu tính chủ động là một trong những hạn chế mà ông Philip Zerillo và ông Steven Burton đều nhận định về những bạn trẻ mà ông tiếp xúc. Và theo các ông, đó là tố chất cần thay đổi để hội nhập và nắm bắt những cơ hội quốc tế. “Nếu nghĩ đến những người trẻ năng động tại châu Á, người ta sẽ nghĩ đến người Trung Quốc, người Nhật chứ ít ai nghĩ đến người VN”, ông Steven Burton nói. Giáo sư Phillip Zerillo cũng chia sẻ: “Các bạn thường không dám vỗ ngực để nói rằng “tôi có thể”, mặc dù sinh viên Việt thật sự thông minh”.

Có gần 15 năm trong ngành giáo dục và quan tâm đến VN, giáo sư Phillip Zerillo cho biết hơn 10 năm trước các chương trình đào tạo MBA (học vị thạc sĩ quản trị kinh doanh) của Mỹ gần như vắng bóng học viên người Việt. Nhưng hiện nay tất cả chương trình đào tạo này đều có hai đến ba học viên người Việt. Mặc dù vậy so với một số nước lân cận, tỉ lệ này thấp hơn mười lần. Tuy nhiên, sự gia tăng hiếm hoi này được các ông Steven Burton đánh giá như kết quả tất yếu của sự tăng dân số VN chứ không phải tính quốc tế của người Việt được nâng cao.

“Các bạn nên nâng cao kỹ năng tiếng Anh. Hiện nay tại VN chỉ có Hà Nội và TP.HCM phát triển việc này, các vùng khác rất ít được quan tâm. Các bạn cũng nên tự chuẩn bị kinh nghiệm cho mình thông qua việc tham gia các công việc có liên quan ngành nghề ngay khi còn là sinh viên, mở rộng các mối liên hệ nghề nghiệp dựa vào Internet hay các mạng xã hội. Và cuối cùng các bạn nên mạnh dạn thể hiện những ưu điểm của người Việt với bạn bè quốc tế”, ông Steven Burton khuyên.

Chị Trần Hương Lê - người sáng lập nhóm Friends4Growt, nhóm tổ chức các buổi hội thảo này - mong muốn mang đến cho các bạn trẻ Việt những thông tin về cơ hội học tập và làm việc quốc tế khi đã đi qua chặng đường hội nhập nhiều khó khăn trước đó. Nhưng muốn thật sự chạm tay vào những cơ hội này, theo chị, các bạn trẻ cần phải thay đổi chính trong cách suy nghĩ và cách thể hiện bản thân mới có thể tự tin bước ra thế giới.

NGỌC TRƯỜNG

Thiện nguyện đêm Giáng sinh

Thiện nguyện đêm Giáng sinh

TT - Giáng sinh 2012 rơi vào thời điểm kinh tế gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, người Sài Gòn vẫn biết cách để đón một Giáng sinh cùng năm mới tiết kiệm và ấm cúng.

Bạn Phan Thị Kim Anh (bìa phải) bán những tấm thiệp Giáng sinh tại khu vực công viên 30-4 (TP.HCM) để gây quỹ mua quà tặng cho các em thiếu nhi tại các mái ấm vào dịp Tết Nguyên đán - Ảnh: M.ĐỨC

Từ 18g, các tuyến đường trung tâm TP bắt đầu đông người. Tại Nhà văn hóa Thanh niên (Q.1) diễn ra chương trình chào mừng năm mới với các gian hàng ẩm thực, bán quần áo, quà lưu niệm... thu hút hàng ngàn người dân, bạn trẻ đến mua sắm, vui chơi. Tại các khu mua sắm lớn như thương xá Tax, khách sạn Rex, Diamond, cao ốc Sài Gòn Center... đâu đâu cũng thấy những cặp vợ chồng trẻ dắt các con mặc trang phục ông già Noel dạo phố. Tại vòng xoay giao lộ Phạm Ngọc Thạch - Lê Duẩn, nhiều bạn trẻ tạo dáng chụp hình bên một quả cầu khổng lồ với hàng ngàn bóng đèn điện rực rỡ.

Tại các nhà thờ và xóm đạo khắp các quận vùng ven và ngoại thành, không khí đón Noel và năm mới cũng náo nức. Các con đường ở nhiều xóm đạo quận Tân Phú, Tân Bình, quận 8... đèn nhấp nháy giăng kín đường lộng lẫy.

Trong không khí Giáng sinh rộn ràng, nhiều bạn trẻ vui đêm Giáng sinh bằng cách làm thiện nguyện. 42 bạn trẻ trong CLB tình nguyện Hope đã tỏa đi các nơi, vào các bệnh viện hoặc đến các khu phố nghèo phát quà cho trẻ nhỏ, những bịch sữa, gói mì, quần áo cũ...

Bên hông nhà thờ Đức Bà (Q.1), nhiều nhóm từ thiện là sinh viên các trường cũng tất bật phát quà cho trẻ em đường phố, người bán hàng rong, nhân viên dọn dẹp vệ sinh... Bạn Lê Thị Phương Thảo - nhóm trưởng đội công tác xã hội Trường đại học Kỹ thuật công nghệ - cho biết: “Để có được những phần quà này, trong vòng một tháng qua, gần 50 bạn sinh viên của trường phải ròng rã đi bán đồ handmade (đồ thủ công) để gom góp tiền mua hơn 100 phần quà tặng các em nhỏ lang thang, giúp các em đón năm mới và Noel vui vẻ”.

Tại Hà Nội: thời tiết lý tưởng nhưng không khí Giáng sinh kém nhộn nhịp so với mọi năm. Các cửa hàng, cửa hiệu bán quà cũng đóng cửa sớm. Ngay cả một hội chợ quà tặng Noel diễn ra ở một địa điểm rất đẹp là công viên Thống Nhất cũng rất thưa vắng khách. Nếu như năm ngoái ông già Noel phải chạy sô mới kịp tặng quà thì năm nay rất hiếm gặp bóng áo đỏ cưỡi xe máy đi trên đường phố.

Dù vậy, ra đường và tận hưởng không khí Noel vẫn là niềm vui của nhiều người, nhất là các gia đình trẻ và thanh niên. Cũng như mọi năm, nhiều bạn trẻ thủ đô đã xuống đường làm thiện nguyện trong đêm Noel.

Tại Đà Nẵng: càng về đêm, lượng người đổ ra đường ngày một nhiều khiến nhiều tuyến đường bị kẹt xe nghiêm trọng. Lực lượng cảnh sát giao thông đã rất vất vả. Dọc con đường du lịch Bạch Đằng và ngay dưới cầu sông Hàn, một cây thông Noel rất lớn với những gói quà đẹp thu hút nhiều người dừng chân chụp hình. Trên đường phố, dịch vụ tặng quà với những ông già Noel cưỡi xe máy cũng khá xôm tụ khiến phố phường nhộn nhịp hẳn lên.

Tại Cần Thơ: ở công viên Sông Hậu, một sân khấu khổng lồ cao khoảng 10m, ngang khoảng 50m thu hút hàng ngàn người dân chen nhau thưởng thức bữa tiệc âm nhạc, thời trang, ánh sáng, pháo hoa được tổ chức hoành tráng. Đại lộ Hòa Bình, đại lộ 30-4 lung linh sắc màu.

NHÓM PV