Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

Mất phương hướng vì không xin được việc, làm sao?

Mất phương hướng vì không xin được việc, làm sao?

Ảnh: saojorgebardivertido.com.br
TTO - * Em là nam, tốt nghiệp ĐH chuyên ngành hệ thống điện được hơn một năm, hiện vẫn chưa xin được việc làm. Em thấy cơ hội việc làm của ngành này ở các tỉnh rất ít vì hầu như các công ty điện lực không tuyển nhiều.

Nếu xin ở các công ty bên ngoài, chuyên ngành học của em cũng khá hẹp để tìm việc. Em đã nộp hồ sơ và phỏng vấn tại một số doanh nghiệp tư nhân và nhà nước, nhưng ở đâu cũng yêu cầu kinh nghiệm, trong khi em là sinh viên mới ra trường thì làm sao có kinh nghiệm.

Em nghĩ giờ chỉ có đi làm công nhân hoặc lao động tự do thì may ra. Em đang mất phương hướng, mong nhận được lời khuyên từ các anh chị tư vấn.  (aolongvuong108@)

- Chào bạn. Tôi muốn chia sẻ với bạn điều này: dựa trên những câu chuyện được kể về các nhân vật kiệt xuất của thế giới và tại thực tế ở Việt Nam, bạn có thể rút ra một điều là những nhân vật giữ vị trí cao trong công ty, đặc biệt là trong mảng kỹ thuật, rất nhiều người đều có xuất phát điểm từ những vị trí rất nhỏ bé trong công ty như công nhân, thợ kỹ thuật giỏi…

Vì vậy, trước tiên tôi mong bạn không nên đánh giá thấp những vị trí này bởi đây là nơi có thể cho bạn những nền tảng cơ bản và vững chắc nhất để phát triển trong nghề nghiệp. Ai cũng từng là sinh viên mới ra trường, ai cũng phải trải qua giai đoạn chưa có kinh nghiệm, nhưng ý chí và nghị lực mới là điểm tạo nên cơ hội và thành công của mỗi người.

Theo tôi, bạn hãy lạc quan để phân tích rằng bên cạnh điểm mà bạn cho là bất lợi (là chưa có kinh nghiệm), bạn có điểm mạnh là kiến thức vững chắc được học từ trường ĐH sẽ giúp bạn hiểu, làm việc và phát triển nhanh hơn nếu có cơ hội làm việc đúng chuyên ngành.

Trở lại vấn đề khó khăn khi đi tìm một cơ hội làm việc, bạn có thể tự xác định lại xem mình đã nộp bao nhiêu hồ sơ, nếu nhiều thì như thế nào là nhiều trong hiện trạng các công ty cũng đang co cụm việc tuyển nhân sự như hiện nay? Theo tôi, bạn cần phải tích cực và nghị lực hơn nữa trong quá trình tìm kiếm việc làm, đặc biệt là khi vừa ra trường.

Bạn phải rải nhiều hồ sơ hơn tại các công việc có liên quan và tận dụng được chuyên môn của bạn. Nộp 10, 20 hồ sơ, may ra bạn mới có cơ hội được hai hay ba công ty chọn phỏng vấn. Trong số hai, ba công ty ấy thì mới có khả năng bạn được chọn vào một công ty. Số lượng hồ sơ bạn nộp bắt buộc phải nhiều hơn nữa nếu bạn vẫn chưa tìm được công việc cho mình.

Bên cạnh đó, bạn có chia sẻ rằng một số công ty đã hẹn gặp bạn phỏng vấn nhưng bạn vẫn chưa đạt thì tôi chắc chắn lý do bạn không thành công không hẳn chỉ vì bạn chưa có kinh nghiệm như bạn nghĩ. Nhà tuyển dụng hoàn toàn có thể đọc được điều đó trên hồ sơ nhưng vẫn đã cho bạn một cơ hội. Bạn còn đang mất phương hướng hoàn toàn chỉ vì chưa xác định được khoảng chênh lệch giữa năng lực của bản thân với nhu cầu thực tế của xã hội là như thế nào để tìm ra hướng đi.

Như vậy, để có hướng giải quyết bài toán của bạn hiện tại, hãy ngồi nhớ và đánh giá lại sau mỗi buổi phỏng vấn, bạn thấy mình còn thiếu những gì, cần bổ sung những kiến thức, kỹ năng gì thì mới được chọn cho vị trí ấy. Những vấn đề này sau buổi phỏng vấn bạn hoàn toàn có thể nhờ nhà tuyển dụng tư vấn và chia sẻ ngắn gọn.

Việc chủ động tìm hiểu để rút kinh nghiệm và trau dồi thêm cho những lần phỏng vấn sau không chỉ tốt cho việc nâng cao năng lực của bạn mà còn giúp nhà tuyển dụng thấy được tiềm năng và tinh thần của bạn trong công việc.

Duy trì suy nghĩ và cách làm như vậy, tôi tin bạn sẽ sớm tìm ra công việc phù hợp cho mình.

           ĐỖ THỊ HÒA (giám đốc Công ty Career Planning)

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lương bổng, kỹ năng nghề nghiệp, phỏng vấn xin việc... bạn đọc gửi về chương trình "Tư vấn việc làm" tại địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn. Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét